Do dịch Covid-19, năm nay nhiều du sinh viên (SV) Lào ở Khánh Hòa đã quyết định không về nước mà ở lại trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam.
Do dịch Covid-19, năm nay nhiều sinh viên (SV) Lào ở Khánh Hòa đã quyết định không về nước mà ở lại trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam.
Đón Tết Việt nhớ tết Lào
Luangaphai Phetmeezai (SV năm 3, ngành Dược, Trường Đại học Nha Trang) cho biết mình rất hào hứng để đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Phetmeezai cảm thấy rất ấn tượng với những món ăn của ngày Tết ở Việt Nam, nhưng cô vẫn cảm thấy buồn vì đa số SV ở ký túc xá (KTX) đều về quê đón tết. Những ngày Tết, Phetmeezai sẽ cùng những người bạn tại KTX cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại phòng để đón năm mới. “Tết cổ truyền ở Lào diễn ra vào tháng 4, thay vì tháng 2 như ở Việt Nam. Đón tết Việt khiến tôi nhớ về những kỷ niệm khi được ăn tết cổ truyền tại quê nhà” – Phetmeezai bồi hồi nói.
Chung tâm trạng với Phetmeezai, nam SV Vorlavong Phoutsakan năm 4 Khoa điện - Điện tử (Ngành Điện công nghiệp) nhớ lại, lễ hội mừng năm mới Bun Pi May của Lào là lễ kỷ niệm lớn với âm nhạc, khiêu vũ và đám rước truyền thống. Mỗi ngày, Phoutsakan và người thân dành phần lớn thời gian đến chùa để làm công quả nhằm mang lại may mắn cho năm mới sắp đến; vào buổi tối, họ ra đường để tham dự lễ hội. “Tuy không được về quê vào thời gian tết cổ truyền nhưng nhà trường vẫn tổ chức lễ hội cho các SV Lào ở KTX, với sự tham gia của các thầy cô và bạn bè. Điều này giúp tôi có cảm giác như đang được đón tết tại quê nhà”, Phoutsakan nói.
Giao lưu văn hóa
Nhằm tạo không khí vui chơi cho các SV nước bạn ở lại đón Tết cổ truyền Việt Nam, mới đây, Trường Đại học Nha Trang đã tổ chức chương trình “Gói bánh chưng gói yêu thương”, hướng dẫn cho các bạn SV Lào gói bánh chưng, bánh tét theo phong tục người Việt. Thầy Trần Doãn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết, "Năm nay, các bạn sinh viên quốc tế chưa về nước được, do đó nhà trường tổ chức chương trình hướng dẫn các bạn gói bánh chưng xanh; qua đó giúp cho các em có buổi vui chơi trải nghiệm, biết cách gói bánh chưng, hiểu hơn về văn hóa người Việt Nam mình khi Tết đến xuân về… Sau khi gói xong, các bạn sẽ tự nấu và chia nhau mỗi người mỗi cái mang về ăn trong dịp Tết.
Từ sáng sớm, nhiều SV Lào đã có mặt tại trường chuẩn bị nguyên liệu và học cách gói bánh chưng. Người lau lá, người bỏ khuôn, buộc lạt… tạo nên một không khí tươi vui, nhộn nhịp và ấm cúng như một gia đình người Việt khi Tết đến xuân về. Thavixay Manichanh, hiện đang học năm cuối, háo hức cho hay cảm thấy rất vui vì lần đầu tiên được học gói bánh chưng của người bản địa và qua đó, phần nào hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của nơi mình đang lưu trú, học tập.
Lần đầu tiên được nhà trường tổ chức cho học hỏi một “môn học” thú vị là gói bánh chưng nên Luangaphai Phetmeezai cũng đến khá sớm để tìm hiểu. Thấy những nguyên liệu để chuẩn bị cho việc gói bánh khiến mình càng tò mò, những chiếc lá, cái khuôn, dây buộc… hơi khác so với cách gói của nước mình. Nhưng khi được hướng dẫn cách gói thì mình bắt đầu tập làm, có phần hiểu hơn, biết được cách gói bánh của nước bạn là như thế nào. “Do lần đầu gói bánh, nên mình cảm thấy hơi khó gói, nên bánh mình làm khá xấu”, Luangaphai Phetmeezai vui vẻ nói.
Tại ngày hội gói bánh, rất nhiều SV chăm chú theo dõi hướng dẫn gói bánh, rồi người cắt lá, người đưa vào khuôn… cùng nhau làm rất hào hứng. Có những bạn tranh thủ chụp lại những khoảnh khắc, thành quả khi lần đầu tiên trải nghiệm gói bánh chưng theo cách của Việt Nam.
Những hoạt động Tết cổ truyền Việt Nam đã giúp các bạn du học sinh nước ngoài hiểu về văn hóa của Việt Nam và thêm tin, yêu nơi mình đang học tập, sinh sống…
THANH TRÚC