Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết:
Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết:
Kế hoạch đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 đến 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2021; không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; giảm TNGT do nguyên nhân người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị trên địa bàn tỉnh và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh.
- Ông có thể cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022?
- Kế hoạch được xây dựng với 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tỉnh tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; tham gia góp ý để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Đồng thời, lồng ghép mục tiêu bảo đảm ATGT, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án, quy hoạch của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các dự án đầu tư nhằm tạo ra nhu cầu giao thông vận tải lớn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh.
Kế hoạch cũng xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, ATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải…
- Ông có lưu ý gì trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này?
- Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với tinh thần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trên toàn tỉnh ngay từ đầu năm. Các sở, ngành, đoàn thể có lãnh đạo là thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương, đảm bảo tiết kiệm và tránh hình thức; phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo ATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền ATGT; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về ATGT.
- Xin cảm ơn ông!
THÀNH NAM (Thực hiện)