Mưa lớn kéo dài những ngày qua, nhất là đêm 29, rạng sáng 30-11, đã gây thiệt hại lớn đối với huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa). Hiện nay, địa phương vừa phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19 đang lây lan nhanh, vừa phải tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn.
Mưa lớn kéo dài những ngày qua, nhất là đêm 29, rạng sáng 30-11, đã gây thiệt hại lớn đối với huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa). Hiện nay, địa phương vừa phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19 đang lây lan nhanh, vừa phải tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn.
Sạt lở nhiều tuyến đường
Sáng 30-11, đường đèo Tỉnh lộ 9 lên Khánh Sơn xuất hiện nhiều điểm ngổn ngang đất, đá sạt lở, trượt từ taluy dương đổ xuống mặt đường khiến cho các phương tiện giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn. Ghi nhận của chúng tôi tại Km 21+700, khối lượng khá lớn đất đá từ vách núi sạt xuống hơn nửa mặt đường. Còn tại Km 24+700, đoạn mặt đường kéo dài 70-80m tràn lan bùn đất, đá cục. Ghi nhận của chúng tôi trên đoạn đường đèo này còn có hơn 10 điểm taluy dương khác bị trượt sạt khiến đất đá theo dòng chảy từ trên vách núi tràn ra đường. Tại những điểm sạt lở, không ít người vận chuyển nông sản bằng xe máy bị té ngã vì trượt đất đá.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến cho tuyến đường từ khu vực Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc) đi xã Ba Cụm Nam bị trượt sạt nhiều điểm. Ông Bùi Đạt Nguyên - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Nam cho biết: “Sáng 30-11, tôi từ thị trấn Tô Hạp vào xã Ba Cụm Nam để làm việc đã phải dừng xe đến 5 lần để cùng với người dân dọn đá tảng lăn từ các mái taluy dương xuống mặt đường, ô tô không thể lưu thông. Ngoài ra, dọc theo tuyến đường này có nhiều điểm mà đất trên bề mặt mái taluy dương đã bị rạn ra, chỉ cần 1 trận mưa lớn nữa thì sẽ đổ xuống, rất nguy hiểm. Mưa lớn cũng đã làm 30m tường trụ sở UBND xã Ba Cụm Nam bị sập”.
Tuyến đường từ thôn Ko Lắk (xã Sơn Bình) đi xã Sơn Lâm đã bị tê liệt nhiều giờ khi một khối lượng lớn đất bị sạt xuống kín mặt đường. Trong sáng 30-11, lực lượng bảo trì đường bộ đã tiến hành khắc phục, xúc dọn một phần đất đá để phương tiện lưu thông trở lại.
Sập cầu Tà Gụ
Qua những đợt mưa bão trước, cầu Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) đã bị hư hỏng một phần. Đến đêm 29-11, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều đã khiến cho cầu bị sập lúc 1 giờ ngày 30-11, chia cắt 50 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu tại khu vực Tà Gụ. Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Địa phương đang bố trí lực lượng đi đường vòng để tiếp cận các hộ dân này nhằm nắm bắt tình hình, triển khai việc tiếp ứng, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân khu vực bị chia cắt”. Mưa lớn cũng khiến cho nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả của người dân bị ngã đổ, hư hỏng; một số diện tích bị ngập úng, người dân phải thuê máy bơm để bơm nước ra ngoài. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đất sản xuất của người dân bị sạt lở, kè sông Tô Hạp khu vực Cây Sung (thôn Hòn Dung) bị sạt lở dài 100m.
Ngay sáng 30-11, ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện đã đi kiểm tra thực tế tại cầu Tà Gụ. Qua kiểm tra, lãnh đạo UBND huyện đã yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với UBND xã Sơn Hiệp trước mắt khắc phục nhanh bằng cách đổ đất, bắt dầm làm cầu tạm tại vị trí cầu bị sập để người dân sớm qua lại. Về lâu dài, UBND huyện sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng cầu Tà Gụ mới. Huyện cũng lưu ý UBND xã Sơn Hiệp phải đảm bảo an sinh cho người dân tại khu vực bị chia cắt.
Căng mình thực hiện nhiệm vụ kép
Qua thống kê sơ bộ của UBND huyện Khánh Sơn, mưa lớn những ngày qua làm 6 điểm tràn bị ngập sâu, gây chia cắt giao thông nhiều giờ liền. Mưa lớn còn gây xói lở nhiều tuyến đường và chân cầu, tuyến kè dọc sông Tô Hạp, cụ thể như: Sạt lở đường thôn 4, đất đá bồi lấp cầu tràn thôn 4 (xã Thành Sơn); các đập Tà Gụ, Ty Lay (xã Sơn Hiệp) và nhiều đập dâng khác bị bồi lấp khối lượng đất đá khá lớn; kè sông Tô Hạp đoạn qua xã Ba Cụm Bắc, Sơn Hiệp bị hư hỏng một số đoạn. Ngoài ra, nhiều diện tích đất sản xuất ven suối, sông Tô Hạp bị sạt lở, cuốn trôi hoa màu và cây ăn quả, ao cá của người dân. Hiện nay, các địa phương trong huyện vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. |
Qua rà soát của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, trên địa bàn huyện có 26 vị trí xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất đá, chủ yếu ven các sườn đồi, dọc sông suối. Trong đó, xã Ba Cụm Nam xác định 5 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở gần các khu dân cư ở các thôn: Ka Tơ, Suối Me và Hòn Gầm. Thị trấn Tô Hạp và các xã: Sơn Bình, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, mỗi địa phương có 4 vị trí; xã Thành Sơn có 3 vị trí; xã Sơn Lâm có 2 khu vực có nguy cơ sạt lở và xã Sơn Trung có 1 khu vực. Khánh Sơn đã phải di dời 21 hộ dân, 88 nhân khẩu tại 2 điểm sạt lở ở thôn Tà Giang 2 (xã Thành Sơn) và 1 điểm sạt lở tại thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp). Bên cạnh đó Khánh Sơn còn có nhiều khu vực xung yếu dễ xảy ra ngập lụt, khi mưa lớn sẽ xảy ra chia cắt cục bộ. Trên địa bàn huyện còn có 21 điểm, chủ yếu là các điểm cầu tràn qua các sông, suối chính thường xuyên bị ngập gây chia cắt mỗi khi có mưa lớn.
Ông Nguyễn Quốc Đông cho biết thêm, những ngày này, Khánh Sơn đang phải đối diện với khó khăn kép khi vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải lo phòng, chống và khắc phục hậu quả của mưa lớn. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương trong huyện, khi triển khai công tác phòng, chống lụt bão phải gắn liền với việc đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. “UBND huyện đã yêu cầu các địa phương bên cạnh tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh phải bám sát diễn biến thời tiết, không được chủ quan với lũ quét, sạt lở đất; nhất là các xã: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc và thị trấn Tô Hạp. Khi có mưa lớn, các địa phương cần lưu ý theo dõi các vị trí xung yếu, triển khai ngay việc sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, cắt cử người canh gác tại các điểm ngầm, tràn; tuyên truyền người dân không được ra vớt củi, đánh bắt cá để đảm bảo an toàn…”, ông Nguyễn Quốc Đông nói.
HẢI LĂNG