10:08, 11/08/2021

Tái diễn nạn giã cào ở vịnh Vân Phong

Lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, mỗi ngày, hàng chục chiếc ghe giã cào quần thảo trên vịnh Vân Phong, khu vực xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Cơ quan chức năng của địa phương sẽ tổ chức các đợt truy quét để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.

 

Lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, mỗi ngày, hàng chục chiếc ghe giã cào quần thảo trên vịnh Vân Phong, khu vực xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Cơ quan chức năng của địa phương sẽ tổ chức các đợt truy quét để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.


Hoạt động bất kể ngày đêm


Những ngày gần đây, người dân xã Vạn Thạnh liên tục phản ánh tình trạng ghe giã cào quần thảo trên vịnh Vân Phong bất kể ngày đêm. Ghi nhận của phóng viên vào sáng 10-8, có hàng chục ghe giã cào ở khu vực gần bờ đảo Điệp Sơn dàn hàng ngang càn quét khắp một vùng, nước đục ngầu xộc lên mùi bùn. Cứ khoảng 15 phút, những chiếc tàu giã cào sò lại kéo lưới 1 lần để thu tôm cá. Khi người dân tiếp cận thì những tàu này nổ máy bỏ chạy, nhiều tàu còn thách thức khiến người dân rất bức xúc.

 

Tàu cào lồng hoạt động trên vùng biển Vạn Ninh.

Tàu cào lồng hoạt động trên vùng biển Vạn Ninh.


Ông Trần Văn Long (thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh) cho hay, lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, lực lượng chức năng ít đi tuần tra, kiểm soát nên các tàu giã cào hoạt động ngày đêm. Buổi sáng, các tàu bắt đầu đánh bắt từ 7 giờ đến khoảng 14 giờ, có tốp khác hoạt động từ 14 giờ tới 4 giờ sáng. Cứ luân phiên như vậy, mỗi ngày có hàng chục chiếc tàu giã cào thi nhau cày xới vùng biển gần bờ, tận diệt hải sản, gây ô nhiễm môi trường biển. Hoạt động này diễn ra khoảng 1 tuần nay và ngày càng rầm rộ. Còn theo ông Phạm Xuân Quang (thôn Điệp Sơn), khu vực nuôi trồng hải sản của hơn chục hộ với khoảng 10.000 con tôm hùm đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tôm nuôi mới được khoảng 200-300 gram, nhưng mấy hôm nay bị sặc bùn nên đã biếng ăn. Người nuôi tôm rất lo lắng, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để truy quét những tàu giã cào.


Tìm hiểu được biết, các tàu này thường đi theo tốp và theo đợt, xuất phát ở các xã: Vạn Thắng, Vạn Phước, Vạn Giã, Vạn Long. Mỗi tàu được trang bị một hệ thống lưới và lồng cào dài chừng 2,2m, đường kính 60-70cm, bên dưới có khoảng 60 răng cưa để dễ dàng cào. Mắt lưới của lưới tàu giã cào thường rất nhỏ để tận thu cá tôm...


Còn khó khăn trong quản lý, xử lý

 

Trạm Thủy sản Vạn Ninh mong các cấp xem xét thành lập, kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương phù hợp với quy định của Luật Thủy sản năm 2017; đồng thời tăng cường nhân lực, kinh phí tuần tra, triển khai nhanh chóng đóng tàu mới tuần tra đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Trường - Trạm trưởng Trạm Thủy sản Vạn Ninh cho hay, trạm đã nhận được thông tin và kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Tối 7-8, tổ tuần tra liên ngành do trạm chủ trì có đi tuần tra và phát hiện một số ghe cào sò tại khu vực Điệp Sơn, đã tiến hành truy đuổi. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, đang giãn cách xã hội nên không bắt các ghe này. Mấy hôm nay biển động, xuất hiện nhiều loại sò nên có tình trạng tàu cào sò nhưng không nhiều. Trạm sẽ tổ chức truy quét sớm nhất để bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển.


Hiện nay, Trạm Thủy sản Vạn Ninh quản lý 782 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên trên địa bàn toàn huyện. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vạn Hưng và Đầm Môn, Công an huyện, UBND các xã tổ chức tuần tra hơn 70 lượt, xử phạt hơn 35 triệu đồng, tịch thu và tạm giữ 29 tang vật (gồm 16 lồng cào sò và 13 bộ kích điện).


Ông Trường cho biết, nhờ truy quét quyết liệt nên nạn giã cào có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn một số tàu cá làm nghề cào sò, lặn dùng kích điện để kích sò hoạt động lén lút. Không chỉ vậy, nhiều chủ tàu cào sò rất manh động, liều lĩnh hoạt động trong phạm vi vùng cấm trên địa bàn, khi lực lượng chức năng phát hiện thì không chấp hành hiệu lệnh, chống đối bỏ chạy gây nhiều khó khăn cho việc truy đuổi. Các đối tượng còn cử người theo dõi đoàn tuần tra để báo tin cho những trường hợp đang khai thác nên khó phát hiện xử lý triệt để. Địa bàn vùng biển rộng, nhưng trạm chỉ có 6 cán bộ, vừa thực hiện công tác hành chính, vừa thực hiện công tác văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Đại Lãnh, lại phải tuần tra, kiểm soát nhiều khu vực khác nhau. Ngoài ra, hiện nay, tàu tuần tra sử dụng gần 27 năm, bị xuống cấp nặng, không đáp ứng được yêu cầu khi tuần tra, kiểm soát ngăn chặn vi phạm xảy ra trên biển.


THÀNH NAM