11:08, 06/08/2021

Kế hoạch cung ứng nhu yếu phẩm trong tình hình Covid-19

Ngày 6-8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong trường hợp các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngày 6-8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong trường hợp các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.


Theo đó, kế hoạch phân công cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Công tác tổ chức phân phối, kinh doanh các loại nhu yếu phẩm cần thiết, bình ổn giá và giữ khoảng cách an toàn, thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.


Ngoài ra, các sở, ngành địa phương tập trung các giải pháp nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập trong điều tiết thị trường, tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác vận chuyển hàng hóa, kênh phân phối… Kế hoạch cũng đưa ra giải pháp dự trữ và cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu từ nguồn hàng kinh doanh sẵn có trong các kho của doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn, chủ yếu là Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ và các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp chuyên doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.


Trong trường hợp thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn Chỉ thị số 16, tùy thuộc vào tình hình thực tế của các địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện các hình thức bán hàng như: Bán hàng online, điện thoại; triển khai Mô hình “mua hàng hộ - giao hàng tận nhà” đến người dân; huy động các thương nhân trên địa bàn xã, phường kinh doanh online các mặt hàng nhu yếu phẩm sẵn có tại địa phương, nhưng phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức xe bán hàng lưu động; bán hàng thông qua “điểm tập kết hàng”, người mua hàng tại khu vực gần điểm tập kết hàng đặt hàng qua online, điện thoại; tổ chức các điểm chợ tạm gần các khu vực chợ truyền thống, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa.


Trong trường hợp nguồn hàng dự trữ địa phương đã được huy động hết nhưng vẫn thiếu hụt hàng hóa, Sở Công Thương sẽ tham mưu tỉnh, báo cáo Bộ Công Thương huy động hỗ trợ từ các địa phương khác lân cận và từ các Tổng Công ty quản lý kinh doanh siêu thị. Ngoài ra, việc tổ chức duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, nuôi trồng tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại địa phương cũng được chú trọng nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tình hình dịch bệnh kéo dài.


H.Đ