Sau nhiều năm xã hội hóa xe buýt các tuyến nội thành TP. Nha Trang, tháng 6-2021, hợp đồng đã kết thúc. 7 năm qua, ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm, người dân cũng được hưởng lợi.
Sau nhiều năm xã hội hóa xe buýt các tuyến nội thành TP. Nha Trang, tháng 6-2021, hợp đồng đã kết thúc. 7 năm qua, ngân sách nhà nước (NSNN) tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm, người dân cũng được hưởng lợi. Thế nhưng, doanh nghiệp (DN) thua lỗ triền miên, hiện nay không còn mặn mà với kinh doanh vận tải xe buýt. Để thu hút DN tham gia vận tải hành khách công cộng, các nhà hoạch định chính sách đang loay hoay tìm cơ chế cho các tuyến xe buýt được trợ giá.
Bước ngoặt trong vận tải hành khách công cộng
Tháng 6-2014, Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa ký hợp đồng với Sở Giao thông vận tải (GTVT) gói thầu 6 tuyến xe buýt nội thành Nha Trang, thời hạn đến tháng 6-2021. Đây là lần đầu tiên các tuyến xe buýt nội thành được chuyển giao cho DN tư nhân khai thác theo chủ trương xã hội hóa của UBND tỉnh.
Sau khi tiếp nhận các tuyến xe buýt từ Công ty Dịch vụ vận tải Khánh Hòa, Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa được trợ giá từ NSNN với mức hỗ trợ hàng năm không vượt quá 6 tỷ đồng. Điều này góp phần tiết kiệm cho NSNN bởi trước đây, mỗi năm tỉnh phải trợ giá cho xe buýt 20 - 30 tỷ đồng. Trên các tuyến nội thành Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 500 lượt xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tăng 30 lượt so với trước, thời gian hành trình 10 - 15 phút/chuyến, hàng ngày hoạt động từ 5 giờ và kết thúc vào 19 giờ. Với việc rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng phục vụ, tuyến xe buýt nội thành đã được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT khẳng định, việc xã hội hóa các tuyến xe buýt là một chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong 7 năm, DN đã tiết kiệm cho NSNN 140 tỷ đồng. Không chỉ vậy, chất lượng vận tải, cung cách phục vụ của DN sau khi được chuyển giao cũng được nâng lên. Nhà nước và nhân dân cùng được hưởng lợi. Việc vận hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông nội thành.
Càng chạy càng lỗ
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 7 năm tham gia hoạt động xe buýt, chỉ duy nhất năm 2015, Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa đạt doanh thu hơn 37,6 tỷ đồng, có lợi nhuận trước thuế hơn 154 triệu đồng. Những năm còn lại, DN này lỗ triền miên, đỉnh điểm là năm 2020 phải bù lỗ hơn 9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Đức - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa cho biết: “Ngày DN trúng thầu, chúng tôi cũng không thể lường trước được việc sản lượng và doanh thu từ xe buýt liên tục sụt giảm như thế. Năm đầu, chúng tôi tập trung xây dựng nhà xưởng, trụ sở, thua lỗ hơn 1,5 tỷ đồng nhưng chấp nhận bởi đây là nền móng khi khởi sự. Qua năm thứ 2, hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu khởi sắc, làm ăn có lời một chút. Thế nhưng, từ năm thứ 3, sản lượng xe buýt giảm mạnh, chỉ có khoảng 3 triệu lượt khách/năm, giảm 30% so với năm trước. Không chỉ doanh thu sụt giảm, thị trường trượt giá, xăng dầu tăng cao, tiền thuê nhân công phục vụ xe buýt cũng tăng… nhưng chúng tôi vẫn cố gồng gánh. Đến thời điểm kết thúc hợp đồng, DN chịu lỗ hơn 29,9 tỷ đồng trong 7 năm”.
Việc đưa vào hoạt động các tuyến xe này nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, trong đó 60% lượng khách là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thời gian qua, đối tượng này lại giảm sút nhanh chóng do nhiều người chuyển sang sử dụng xe đạp điện. Cũng vì thế mà cơ cấu vé thay đổi, nếu như trước đây vé tháng chiếm 70% và vé lượt chiếm 30% tổng lượng vé thì hiện nay ngược lại. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng xe buýt bị sụt giảm trầm trọng theo từng năm. Sau khi liên tục thua lỗ, DN đã kiến nghị UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức trợ giá, nhưng trong hợp đồng không có điều khoản điều chỉnh trợ giá.
Mời thầu nhưng doanh nghiệp không tham gia
Tháng 6-2021, hợp đồng xe buýt các tuyến nội thành kết thúc. Để chuẩn bị cho việc lựa chọn nhà thầu mới, sau khi kết thúc hợp đồng với Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa về gói vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, từ năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở GTVT chủ trì thuê đơn vị tư vấn độc lập để lập hồ sơ vận hành cũng như hướng tuyến của các tuyến xe buýt trên địa bàn TP. Nha Trang. Theo phê duyệt của UBND tỉnh, sẽ có 9 tuyến xe buýt nội thành Nha Trang, trong đó 8 tuyến được Nhà nước trợ giá, 1 tuyến xe buýt du lịch không có trợ giá. Phương án hướng tuyến và thiết kế vận hành các tuyến xe buýt này dựa trên cơ sở nhu cầu thực tiễn đi lại của người dân; bảo đảm việc di chuyển, tính kết nối các địa điểm như: Chợ, trường học, khu dân cư…
Sau khi hoàn thiện các thủ tục, ngày 22-3, Sở GTVT thông báo mời thầu các tuyến xe buýt nội thành Nha Trang. Tuy nhiên, sau khi mở thầu, không có DN nào tham gia đấu thầu. Nhiều DN có kinh nghiệm trong hoạt động vận tải xe buýt cho rằng, đấu thầu không thành công là do một số tiêu chuẩn để tham gia đấu thầu quá cao, trong khi mức trợ giá thấp. Cụ thể, trong tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ đấu thầu, DN tham gia phải huy động được 94 xe có sức chứa 60 chỗ ngồi (bao gồm số ghế ngồi và chỗ đứng), trong đó có 70% là xe mới; phải là công ty có kinh nghiệm về xe buýt. Nhưng Nhà nước trợ giá cho hợp đồng xe buýt chỉ 22% trong tổng trị giá hợp đồng...
Ông Nguyễn Văn Dần cho biết, sở đã đánh giá lại và làm việc với các cơ quan liên quan về tài chính để điều chỉnh các tiêu chuẩn tham gia đấu thầu của DN cũng như tăng mức trợ giá cho xe buýt. Trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng đang bị thị trường xe cá nhân lấn át thì việc điều chỉnh các tiêu chí là cần thiết. Những tính toán trước đó của đơn vị tư vấn không còn phù hợp với thực tế. Sở đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đấu thầu lại.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt trên 6 tuyến nội thành Nha Trang hầu như rất ít, chủ yếu phục vụ học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang. Số lượt và số kilômét xe chạy trong quý I chỉ đạt 19%, quý II chỉ đạt 17% so với hợp đồng. Trong khi đó, hiện nay, học sinh, sinh viên đã kết thúc năm học, không có người sử dụng xe buýt. Với tình hình đó, Sở GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh tạm dừng hoạt động 6 tuyến xe buýt nội thành Nha Trang cho đến khi có DN trúng thầu mới.
Ngày 4-6, UBND tỉnh có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở GTVT, đồng thời giao sở này thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân được biết, lựa chọn phương tiện khác cho việc lưu thông; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đấu thầu xe buýt, chậm nhất trước ngày 1-9 phải lựa chọn được nhà đầu tư. Ngày 7-6, Sở GTVT chính thức có thông báo về việc tạm dừng hoạt động 6 tuyến xe buýt nội thành Nha Trang.
Năm học mới sẽ bắt đầu vào tháng 9, nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. Nha Trang chắc chắn sẽ tăng cao. Vì vậy, việc sớm tìm ra nhà đầu tư cho xe buýt nội thành rất cấp thiết. Hy vọng với những điều chỉnh trong tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ đấu thầu sẽ sớm lựa chọn được nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN.
Ngày 26-5, UBND tỉnh có Quyết định 1394 phê duyệt hồ sơ dự toán điều chỉnh (dự toán mức trợ giá - khung giá vé trần cho 8 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn tỉnh) trong 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số tiền hơn 109,5 tỷ đồng. UBND tỉnh giao Sở GTVT chịu trách nhiệm về nội dung hồ sơ dự toán điều chỉnh và có trách nhiệm lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động 8 tuyến xe buýt trợ giá. ___________________________________________
|
MẠNH HÙNG