Gần 38 năm qua, mang trong người vết thương chiến tranh, vừa phải chăm sóc những đứa con bị nhiễm chất độc da cam, vừa tham gia công tác xã hội, bà Lâm Thị Thanh Xuân (sinh năm 1954, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành việc chăm sóc gia đình và nhiệm vụ được giao.
Gần 38 năm qua, mang trong người vết thương chiến tranh, vừa phải chăm sóc những đứa con bị nhiễm chất độc da cam, vừa tham gia công tác xã hội, bà Lâm Thị Thanh Xuân (sinh năm 1954, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành việc chăm sóc gia đình và nhiệm vụ được giao.
Hôm chúng tôi đến nhà cũng là lúc bà Xuân đi thăm một gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin về. Vừa đến nhà, bà tất bật tắm rửa và đút từng muỗng cơm cho con gái. Tuy đã gần 38 tuổi nhưng con bà vẫn không thể đi, không thể nói, mọi sinh hoạt đều phải trông vào bà, chỉ khi nào bận công tác hội, bà mới nhờ người thân đến giúp.
Nghe câu chuyện bà kể về đời mình, chúng tôi rất cảm phục nghị lực của người phụ nữ này. Năm 1971, khi vừa tròn 17 tuổi, bà nhập ngũ vào Binh trạm 14, Sư đoàn 571 thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Những năm ấy, chiến tranh ác liệt, kẻ địch đã rải hàng tấn chất độc hóa học dọc các tuyến đường Trường Sơn để triệt phá màu xanh của rừng. Bà đã từng chứng kiến máy bay địch phun rải chất độc hóa học. Sau năm 1975, bà trở về địa phương, công tác trong ngành thương nghiệp. Tuy tuổi còn trẻ nhưng sức khỏe của bà bắt đầu giảm sút, hay bị ốm đau. Đi khám, bà mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Chồng bà - một chiến sĩ Trường Sơn - cũng bị như bà. Ông bà có 3 người con thì cả 3 đều bị nhiễm chất độc da cam. Nặng nhất là con gái thứ 3, khi sinh ra thân hình co quắp và không phát triển trí tuệ dù vợ chồng bà đã đưa con đi chữa trị ở nhiều nơi. Đến nay, chị vẫn như một đứa trẻ mới sinh, mọi sinh hoạt đều do bà gánh vác. Nghịch cảnh là thế nhưng với ý chí của một chiến sĩ Trường Sơn, bà không đầu hàng số phận, nỗ lực chăm lo kinh tế gia đình và chăm sóc chồng con từng bữa ăn, giấc ngủ.
Hiện nay, toàn thị xã Ninh Hòa có 244 hội viên da cam/dioxin. Trong đó, có 33 người là con nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị bại não, thần kinh, bại liệt; những người còn lại đều già yếu và bệnh tật. |
Sau khi về hưu, bà Xuân tích cực tham gia công tác ở địa phương. Hiện nay, bà là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Ninh Hòa, Chủ tịch Hội nữ Trường Sơn tỉnh, thành viên Ban công tác Mặt trận phường Ninh Hiệp... Dù ở vị trí công tác nào, bà cũng nỗ lực hết mình với công việc được giao, có những ý tưởng, mô hình thiết thực, ý nghĩa. Tính riêng từ năm 2016 đến 2020, tuy đôi chân không lành lặn vì di chứng của chiến tranh nhưng bà vẫn cùng tập thể hội đi khắp các nơi kêu gọi kinh phí để trao hơn 2.100 suất quà trị giá gần 750 triệu đồng cho các hội viên. Ngoài ra, hội cũng vận động xây cầu, nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, hỗ trợ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Ông Cao Văn Mi - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, nhiều năm qua, bà Xuân luôn cống hiến hết mình cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Không chỉ nhiệt tình trong công tác hội, bà còn tích cực vận động nhà hảo tâm ủng hộ giúp đỡ nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội, giúp họ hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, bà mong luôn có sức khỏe để có thể đến từng nhà đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh như mình, thăm hỏi, động viên họ vượt lên số phận và chăm sóc người con gái tật nguyền.
Mã Phương