Đó là một trong những mục tiêu của kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) năm 2021 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 10-6. Trao đổi về kế hoạch này, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết:
Đó là một trong những mục tiêu của kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) năm 2021 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 10-6. Trao đổi về kế hoạch này, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết:
- Hiện nay, ASF đã xuất hiện trở lại tại một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 5-5 đến 11-6, bệnh đã xảy ra tại 11 hộ, 7 thôn, tổ của các xã, phường: Suối Tân (huyện Cam Lâm), Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh), Phước Đồng, Vĩnh Hải (TP. Nha Trang). Số lượng heo chết, bệnh buộc tiêu hủy 236 con với khối lượng 10.463kg. Dự kiến, dịch bệnh có chiều hướng phát sinh và lây lan nhanh trong thời gian tới.
- Để khống chế ASF, từ nay đến cuối năm, ngành sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
- ASF là dịch bệnh dễ lây lan, vì vậy, việc chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch là giải pháp quan trọng nhất. Cùng với đó, quá trình phân tích tình hình dịch tễ cho thấy, những cơ sở, trang trại nuôi heo có các điều kiện an toàn sinh học, vệ sinh thú y tốt sẽ hạn chế thấp nhất khả năng dịch bệnh xâm nhiễm. Vì vậy, kế hoạch phòng, chống ASF năm 2021 đề ra mục tiêu xây dựng thành công ít nhất 4 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh, đáp ứng việc cung cấp con giống cho người chăn nuôi. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 50% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 30% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.
- Để đạt mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra những yêu cầu, nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Đối với chăn nuôi heo an toàn sinh học, người nuôi thực hiện kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. Đồng thời, sử dụng thức ăn chăn nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp.
Việc tổ chức nuôi tái đàn chỉ áp dụng tại cơ sở chăn nuôi heo chưa bị ASF hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày. Đối với địa phương chưa công bố hết ASF, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học hoặc được chính quyền cơ sở, cơ quan thú y địa phương xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu an toàn dịch bệnh để tái đàn, tăng đàn.
Cùng với người chăn nuôi, chính quyền địa phương và cơ quan thú y sẽ giám sát dịch bệnh chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch ngay khi vừa phát sinh, tránh lây lan. Trong đó, việc kịp thời, chủ động khai báo của người chăn nuôi khi đàn heo có dấu hiệu dịch bệnh và công tác lấy mẫu giám sát chủ động của cơ quan thú y sẽ được triển khai song hành. Kế hoạch đã tính toán cụ thể đến quá trình tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh; công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm từ heo; quản lý giết mổ heo và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt heo; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi khi chưa có dịch xảy ra và tại các điểm xuất hiện dịch…
- Ông có thể cho biết cơ chế tài chính để triển khai kế hoạch này?
- Theo quy định hiện hành, đối với cơ sở chăn nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi heo, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần, người nuôi một phần; còn các doanh nghiệp, hộ sản xuất chăn nuôi liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tự đảm bảo kinh phí tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống ASF. Năm 2021, kinh phí cấp tỉnh triển khai kế hoạch phòng bệnh ASF gần 3 tỷ đồng, kinh phí cấp huyện hơn 1,1 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước được dùng chủ yếu vào việc mua và tổ chức phun hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; lấy mẫu giám sát, chẩn đoán ASF; tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ASF…
- Xin cảm ơn ông!
Hồng Đăng (Thực hiện)