11:05, 05/05/2021

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Sáng 5-5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 do ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương làm trưởng đoàn làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh về triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021, diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5.

Sáng 5-5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 do ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương làm trưởng đoàn làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh về triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021, diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5.


Chấp hành tốt các quy định


Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 18.264 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có 12.120 cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Y tế; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quản lý 3.024 cơ sở; ngành Công Thương quản lý 3.120 cơ sở.

 

zzĐoàn kiểm tra liên ngành số 5 kiểm tra thực tế tại Nhà máy Thực phẩm cao cấp SanestFood.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 kiểm tra thực tế tại Nhà máy Thực phẩm cao cấp SanestFood.

 

Thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2021, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 130 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP từ tỉnh đến cơ sở. Các đoàn đã kiểm tra 695 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kết quả có 97,7% cơ sở chấp hành quy định của pháp luật về ATTP, 16 cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định. Các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở 15 cơ sở, xử phạt 1 cơ sở với tổng số tiền phạt 4,25 triệu đồng về hành vi vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa. Ngoài ra, các đoàn đã thực hiện xét nghiệm nhanh 29 mẫu thực phẩm và đều cho kết quả âm tính; xét nghiệm nhanh dụng cụ sạch (tô, chén, đĩa, muỗng) 90 mẫu, có 79 mẫu đạt…


Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid 19 nhưng tỉnh vẫn tích cực vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, nhất là trong Tháng hành động vì ATTP năm 2021. Các đơn vị liên quan của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP, phòng ngừa dịch bệnh tới từng người dân thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, duy trì tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm; thường xuyên đăng tải công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP bị xử lý theo quy định trên trang thông tin điện tử của tỉnh. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã ý thức được tầm quan trọng về vệ sinh ATTP, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm…

 

Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Cà phê Hoàng Tuấn.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Cà phê Hoàng Tuấn.


Ông Nguyễn Song Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng IV, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT cho biết, ngày 4-5, đoàn đã kiểm tra thực tế tại Nhà máy Thực phẩm cao cấp SanestFood (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) và Công ty Cổ phần Cà phê Hoàng Tuấn (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang). Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã chấp hành đầy đủ quy định về tự công bố sản phẩm, khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người lao động, được chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất. Việc thực hành đảm bảo vệ sinh trong sản xuất của người lao động trực tiếp sản xuất được chấp hành đầy đủ…


Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 367 đoàn thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP tại 5.658 cơ sở thực phẩm. Qua đó, phát hiện 724 cơ sở vi phạm, chiếm 12,79%; trong đó nhắc nhở 15 cơ sở, xử phạt 40 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 882 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không đạt chất lượng về ATTP. Đồng thời, tiến hành xét nghiệm 443 mẫu thực phẩm đang lưu thông trên thị trường, gồm: Sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản; thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung, nước uống đóng chai, nước ngọt, nước khoáng thiên nhiên, phụ gia thực phẩm… Kết quả cho thấy, có 416 mẫu đạt, 27 mẫu không đạt, chủ yếu nhóm chất phụ gia thực phẩm trên mẫu sản phẩm nem chua, chả lụa.

Tại buổi làm việc, Sở Công Thương kiến nghị một số vấn đề như: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT thôn nghiên cứu sửa đổi quy định về tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP theo hướng quy định điều kiện người tập huấn kiến thức về ATTP cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn, sản xuất sạch, tiến tới thu hẹp các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các chợ không đảm bảo ATTP. Sở cũng kiến nghị tiếp tục lồng ghép hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm (đặc biệt là cơ sở nhỏ, lẻ) mong muốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới quy trình công nghệ, mở rộng quy mô từ các nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại. Cục ATTP, Bộ Y tế rà soát, lập danh mục các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm cần phải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thuộc trách nhiệm của bộ chuyên ngành để có lộ trình xây dựng theo phân công của Chính phủ.


Ông Nguyễn Việt Tấn đề nghị, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh tiếp tục tăng cường phổ biến các văn bản của Nhà nước về thực hiện các quy định bảo đảm ATTP đến các đối tượng trên địa bàn tỉnh; truyền thông tới các cơ sở sản xuất hoạt động thủ công, nhỏ lẻ, thời vụ, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…


C.VÂN