Theo lộ trình, đến năm 2025, toàn bộ lối đi tự mở đường ngang giao với đường sắt sẽ được các địa phương, ngành đường sắt thu hẹp, giảm, xóa bỏ. Tuy nhiên, lộ trình này sẽ rất khó thực hiện.
Theo lộ trình, đến năm 2025, toàn bộ lối đi tự mở đường ngang giao với đường sắt sẽ được các địa phương, ngành đường sắt thu hẹp, giảm, xóa bỏ. Tuy nhiên, lộ trình này sẽ rất khó thực hiện.
2 năm xóa bỏ được 2 lối đi tự mở
Năm 2019, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở đường ngang giao với đường sắt trên địa bàn tỉnh. Thời điểm đó, ban đã tổng hợp trên địa bàn tỉnh còn 147 đường ngang dân sinh. Những lối đi dân sinh được người dân tự đổ đất, đá lấp ngang mặt đường sắt để đi qua. Đây là những vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, theo quy định của Luật Đường sắt, lối đi dân sinh phát sinh trên địa bàn nào thì trách nhiệm thuộc về địa phương đó. Việc tự ý mở các lối đi dân sinh không chỉ ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng đường sắt mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn giao thông đường sắt. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT tham mưu, lập lộ trình để giải quyết vấn đề này. Qua 2 năm, toàn tỉnh mới chỉ xóa bỏ được 2 lối đi tự mở trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh, còn 145 đường ngang dân sinh chưa được xử lý nhưng đã rào thu hẹp còn 1,5m.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều lối đi dân sinh được cơ quan chức năng rào thu hẹp nhưng chỉ một thời gian, người dân lại lén lút phá dỡ những lối đi này để thuận tiện cho việc đi lại. Ngành đường sắt nhiều lần kiến nghị các địa phương có đường sắt đi qua khẩn trương kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm.
Trở ngại lớn là kinh phí
Theo lộ trình, đến năm 2025, toàn bộ đường ngang dân sinh sẽ được xử lý, rào đóng hoặc làm đường gom. Tuy nhiên, việc xử lý này không hề đơn giản, rất khó thực hiện.
Ông Nguyễn Trọng Hiến - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, địa phương đang phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt tổ chức giải phóng mặt bằng để làm một số đoạn đường gom tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh; qua đó sẽ xóa bỏ được một số lối đi dân sinh trên các đoạn tuyến này. Về lâu dài, những đường dân sinh còn lại phải đóng và làm đường gom, như vậy mới bảo đảm ATGT, thuận lợi cho công tác chạy tàu. Tuy nhiên, việc triển khai lộ trình này đang gặp nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là kinh phí. Tại những vị trí có đường hiện trạng song song với đường sắt thì chỉ cần kinh phí xây dựng, nhưng hiện nay, hành lang đường sắt nhiều nơi bị chiếm dụng và chưa cắm mốc sẽ phải bồi thường, giải tỏa. Trong khi đó, nguồn kinh phí của các địa phương rất khó khăn và còn phải ưu tiên cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, ý thức của người dân chưa cao, dẫn đến phá bỏ các cột bê tông cốt thép phục vụ rào đóng đường ngang.
Theo lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, trước mắt, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy định của Luật Đường sắt, bảo đảm ATGT. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng như: Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATGT đường sắt. “UBND tỉnh đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các địa phương phải có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc phát sinh các lối đi tự mở. Nếu địa phương nào để phát sinh đường ngang dân sinh thì chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm”, ông Dần cho biết.
THÀNH NAM