Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ cho các cơ sở phế liệu là cần thiết. Vì vậy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở khoa học và công nghệ đề nghị năm 2021, tiếp tục triển khai chương trình tuyên truyền về nội dung này.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ cho các cơ sở phế liệu là cần thiết. Vì vậy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN), Sở KH-CN đề nghị năm 2021, tiếp tục triển khai chương trình tuyên truyền về nội dung này.
Nhận thức còn hạn chế
Theo Thạc sĩ Lê Xuân Hải - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN: Phóng xạ là nguồn phát ra các bức xạ ion hóa với đặc trưng là không màu, không mùi, không vị; có khả năng đâm xuyên cực mạnh và ion hóa vật chất, nhất là cơ thể sống, là tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người. Người trực tiếp tiếp xúc với nguồn phóng xạ nếu không giữ khoảng cách an toàn, không được che chắn sẽ bị chiếu xạ; tùy mức độ, nhẹ thì chóng mặt, buồn nôn, nặng có thể tổn thương các mô sống, gây ung thư và dẫn đến tử vong. Từ năm 2003 đến nay, cả nước đã xảy một số sự cố thất lạc nguồn phóng xạ phục vụ trong công nghiệp. Tuy nhiên, các sự cố trên đã được kiểm soát kịp thời và thu hồi an toàn. Qua ghi nhận, đường đi của các nguồn phóng xạ thất lạc thường đến các điểm thu mua phế liệu do cả người bán lẫn người mua chỉ biết đó là kim loại và hai bên tiến hành mua bán. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ cho những cơ sở này rất cần thiết.
Năm 2020, tiếp tục chuỗi tuyên truyền an toàn bức xạ cho các cơ sở phế liệu trong tỉnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã chọn 3 địa phương: Diên Khánh, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tiến hành khảo sát, phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền về kiến thức an toàn bức xạ. Nhóm khảo sát đã phỏng vấn 33 hộ (Diên Khánh 24 hộ; Khánh Sơn 3 hộ; Khánh Vĩnh 6 hộ) về mối nguy của các nguồn phóng xạ… Qua khảo sát, bên cạnh các hộ kinh doanh phế liệu quan tâm và có kiến thức cơ bản về an toàn bức xạ, vẫn còn nhiều hộ chưa nắm bắt thông tin về vật chứa nguồn phóng xạ bị mất cắp, thiếu kiến thức và kỹ năng nhận biết nguồn bức xạ, chưa nhận thức rõ sự nguy hiểm của các nguồn phóng xạ bị mất cắp đối với cộng đồng. Tất cả các hộ đều mong muốn nâng cao hiểu biết về kiến thức an toàn bức xạ. Vì vậy, phương pháp truyền thông qua tờ rơi, áp phích cho các chủ cơ sở, người lao động tại cơ sở và người thu gom phế liệu nhỏ lẻ là phù hợp.
Sẽ tuyên truyền tại Cam Lâm và Cam Ranh
Để giúp người dân cảnh giác các khu vực có nguy cơ phóng xạ tiềm ẩn, nhóm khảo sát của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã xây dựng bản đồ số 125 cơ sở phế liệu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh) có 2 cơ sở phế liệu quy mô lớn về diện tích, cơ giới hóa các khâu thu gom, ép kiện, cân và số lượng xe vận tải phục vụ thu mua, thị xã Ninh Hòa có 1 cơ sở quy mô lớn được đánh dấu trên bản đồ số với biểu tượng màu vàng; các cơ sở còn lại được đánh dấu biểu tượng màu đỏ.
Một thời gian sau khi tuyên truyền, nhóm khảo sát quay lại tiếp tục thu thập thông tin và kiểm tra kỹ năng nhận thức của các hộ. Kết quả, 100% hộ biết dấu hiệu nguồn phóng xạ (biểu tượng cảnh báo hạt nhân); mức độ nguy hiểm của phóng xạ; tính chất của tia bức xạ và cách giảm nguy cơ (tránh xa và báo cho tổ chức có thẩm quyền như: UBND xã, công an, Sở KH-CN, Cục An toàn bức xạ hạt nhân...). Ngoài ra, thái độ của các chủ cơ sở được khảo sát cũng có chuyển biến tích cực, từ nghi ngại sang quan tâm.
Thạc sĩ Lê Xuân Hải khẳng định, các chủ cơ sở được tuyên truyền có sự chuyển biến tích cực về kiến thức, thái độ đối với vấn đề an toàn bức xạ và kỹ năng xử lý sự cố ban đầu. Việc rà soát, tổng hợp, xác định vị trí tọa độ, số hóa, đưa lên bản đồ về vị trí các cơ sở phế liệu và phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí có tác động quan trọng trong việc tuyên truyền về an toàn bức xạ... Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đề xuất năm 2021, chương trình tuyên truyền về an toàn bức xạ sẽ triển khai tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh nhằm nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ cho các cơ sở phế liệu trên địa bàn.
V.L