12:12, 31/12/2020

"Làng Quảng Trị" ở Cam Lâm

Trước năm 1975, xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) được gọi là "Vĩnh Linh". Đó là những cư dân vùng Quảng Trị tránh chiến tranh vào đây, lấy tên quê của mình để đặt tên cho vùng đất mới.

 

Trước năm 1975, xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) được gọi là “Vĩnh Linh”. Đó là những cư dân vùng Quảng Trị tránh chiến tranh vào đây, lấy tên quê của mình để đặt tên cho vùng đất mới.


Từ “mùa hè đỏ lửa”


Trên hành trình xuôi về phương Nam, nhiều cư dân thường mang theo tên làng cùng đi mở đất. Tên gọi Vĩnh Linh ở xã Cam An Bắc là một địa danh như thế. Đã qua 3 đời rồi, ấy vậy mà đám trẻ lên 5, lên 6 tuổi ngày nay vẫn nói “trọ trẹ” và chuẩn giọng của vùng đất Quảng Trị. Chúng tôi có cảm giác những âm tiết rất nặng ấy đã là một phần máu thịt, như trao truyền y văn của người Quảng Trị ở vùng đất cát này.

 

Cổng thôn Cửa Tùng.

Cổng thôn Cửa Tùng.


“Không ai muốn rời quê cha đất tổ cả. Nghèo khó có thể rau cháo qua ngày, nhưng chiến tranh thì không thể trụ bám để đội bom đạn được”, ông Phan Văn Phú (71 tuổi), trưởng thôn Cửa Tùng nói lý do để ông cùng hàng ngàn gia đình có quê Quảng Trị và bắc Thừa Thiên - Huế có mặt tại Cam An Bắc.


Ký ức về một “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 tại Quảng Trị dường như luôn trong tâm khảm mỗi người dân vùng Vĩnh Linh ở Cam An Bắc. Bà Cao Thị Liên (73 tuổi) nhớ lại: “Tui và 4 đứa con dại cứ bám theo đoàn người, gặp phương tiện gì thì xin đi nhờ phương tiện ấy, có lúc phải đi bộ. Trên đầu tàu bay gầm rít, dưới đất thì đạn nổ đì đùng. Và rồi đoàn người nháo nhác đi tiếp về phương Nam ấy đã có bến đỗ ở Vĩnh Linh này. Ngó rứa mà gần nửa thế kỷ rồi”, bà Liên nói.


Lớp người trên 70 tuổi như bà Liên, ông Phú - một thế hệ ám ảnh khôn nguôi về sự tàn khốc của chiến tranh vùng vĩ tuyến 17, hiện nay ở Cam An Bắc không còn được mấy người. Điều ngạc nhiên là lớp con cháu của họ, những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất mới này dù không hề biết đến đạn bom nhưng mỗi khi nhắc đến Vĩnh Linh - Quảng Trị, nhắc đến cuộc tản cư vào đây, tất cả đều biết về “mùa hè đỏ lửa”.


Định cư nơi vùng đất khô cằn


Phía tây Cam Ranh, Cam Lâm vào những năm 70 còn hoang hóa, rừng thưa, đất cằn cỗi nên hầu như không có dân bản địa. Hai linh mục ở giáo xứ Vĩnh Bình và Vĩnh An ở Quảng Trị đã dẫn theo rất nhiều giáo dân vào chọn nơi đây làm nơi định cư. Ở xã Cam An Bắc có ngôi chợ tên là Vĩnh Linh phục vụ cho cả 4 thôn toàn người dân Quảng Trị vào đây định cư từ năm 1972. Chính vì vậy, giọng nói của tất cả những người buôn bán trong chợ đều “trọ trẹ”. Vờ giả giọng “trọ trẹ”, 2 - 3 chị bán hàng ở rìa chợ đã đon đả: “Ua chầu, đồng hương mà lâu ni không chộ tề. Mua hàng mới về đây eng”. Tuy nhiên, khi chúng tôi chuyển sang giọng Nam, các chị đồng thanh “đổi giọng” ngay.


Ông trưởng thôn Phan Văn Phú giảng giải: “Xã có 5 thôn nhưng có đến 4 thôn mang địa danh Quảng Trị: Thủy Ba, Hiền Lương, Triệu Hải, Cửa Tùng, duy nhất thôn còn lại mang tên Tân An. Vì đều từ Quảng Trị vào nên trừ những người lớn tuổi đã định hình giọng nói “nặng trịch” như tôi, tất cả trẻ em sinh ra và lớn lên ở đây đều nói được “2 thứ tiếng”: Ở nhà nói giọng Quảng Trị, ra đường thì nói giọng bản địa”. Vì lẽ đó, vừa bước chân vào chợ Vĩnh Linh, tùy theo giọng nói của khách mà những người buôn bán ở chợ sẽ nói giọng cho dễ nghe.


Ông Chinh Văn Khánh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cam An Bắc cho biết, lúc người dân Quảng Trị vào đây, mỗi gia đình được chia 1.500m2 để làm đất ở. Chính quyền thời ấy làm công việc san ủi và phân lô theo hình bàn cờ nên xóm làng mới có đường ngay ngõ thẳng như hôm nay. Đó là 4 thôn mang địa danh ở Quảng Trị. Riêng thôn Tân An thành lập sau năm 1975 nên đa phần là dân từ khắp nơi ở Cam Ranh đến lập nghiệp. Ông Phú bổ sung thêm: “Ngoài 1.500m2 đất vườn, chính quyền thời ấy còn chia cho mỗi gia đình 1.800m2 đất để trồng mì. Lúc mới vào đây lập nghiệp, chưa biết làm gì để sống qua ngày, lại ở trên vùng đất cằn cỗi, không có đất canh tác cây lúa nước, chính quyền cấp gạo cho người dân cả năm trước khi cây mì cho củ và 20 tấm tôn để dựng nhà”.


Đầy ắp nghĩa tình


2 năm nữa là tròn nửa thế kỷ những người Quảng Trị đến định cư tại Cam Lâm. Ngoài việc lớp con cháu sinh ra và lớn lên tại đây vẫn còn giữ nguyên giọng nói của ông bà, người Quảng Trị còn mang cả phong tục tập quán của vùng đất “gió Lào cát trắng” vào đây. Ông Đặng Ngọc Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc cho biết, các gia đình ở đây vẫn còn nghèo nhưng luôn cưu mang, đùm bọc nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Ông dẫn chứng nhiều hoàn cảnh thương tâm, như ở thôn Cửa Tùng có gia đình 4 đến 5 thành viên đều bị bệnh tâm thần nhưng họ vẫn được cả xóm cưu mang như chính người thân ruột thịt của mình. Đích thân trưởng thôn Phan Văn Phú đứng ra vận động, quyên góp để giúp những cảnh đời bất hạnh. “Bám vào mấy sào đất cát trồng mì, trồng mía may ra chỉ đủ mua gạo chứ “đổi đời” là không thể. Vì vậy, hầu như gia đình Quảng Trị nào cũng căn dặn con mình ngay từ lúc lọt lòng rằng muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, không có con đường nào khác là phải học hành đến nơi đến chốn. Chính các cháu được đi học và thành đạt đang ở khắp nơi trong nước là nguồn hỗ trợ tài chính chủ yếu để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”, ông Phú nói.


“Vật chất có thể còn thiếu nhiều thứ nhưng ở làng quê này luôn đầy ắp nghĩa tình. Người Quảng Trị tui là rựa đọ”, vợ ông trưởng thôn bỗng “trọ trẹ” nói thêm nghe thật cảm động và thân thương đến thế.


Công Thi