11:12, 08/12/2020

Khó khăn trong chuyển đổi lò gạch

Theo lộ trình, đến hết tháng 12 năm nay, toàn bộ lò gạch thủ công đều phải ngưng hoạt động hoặc chuyển sang công nghệ Tuynel. Để làm được điều này, các lò gạch nhỏ đang đứng trước không ít khó khăn.

Theo lộ trình, đến hết tháng 12 năm nay, toàn bộ lò gạch thủ công đều phải ngưng hoạt động hoặc chuyển sang công nghệ Tuynel. Để làm được điều này, các lò gạch nhỏ đang đứng trước không ít khó khăn.


Khó đóng lò cũ


Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đề án, đến năm 2020 phải chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất gạch nung bằng công nghệ thủ công (lò đứng, lò vòng, lò vòng cải tiến). Đối với các cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ Tuynel, để được tiếp tục sản xuất phải đầu tư công suất lên tối thiểu 15 triệu viên/năm.

 

Sản xuất gạch tại một lò gạch ở xã Ninh Xuân, Ninh Hòa.

Sản xuất gạch tại một lò gạch ở xã Ninh Xuân, Ninh Hòa.


Thực hiện đề án này, trong các năm 2017, 2018, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa  đã có 65 lò gạch thủ công đóng cửa, toàn bộ là lò đứng. Mỗi lò gạch được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để thực hiện việc tháo dỡ vỏ lò. Đến năm 2020, trên địa bàn thị xã còn tồn tại 39 cơ sở sản xuất gạch, hầu hết là lò nằm trong diện phải đóng cửa. Trong đó, nhiều nhất tại xã Ninh Xuân với 35 lò.


Trao đổi với chúng tôi, một chủ lò gạch ở xã Ninh Xuân cho biết, việc Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng cho các lò đứng đóng cửa là phù hợp, vì chi phí đầu tư các lò này không cao. Tuy nhiên, với các lò nằm, cụ thể là lò gạch theo công nghệ Hoffman, chi phí đầu tư mỗi lò phải mất khoảng 800 triệu đồng, bây giờ tháo dỡ chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng/lò là quá thấp. Chính vì vậy, việc phá dỡ vỏ lò nằm theo lộ trình cứ giậm chân tại chỗ trong hơn 2 năm qua. Các chủ lò gạch chưa biết phải làm sao khi thời điểm phải đóng cửa đã cận kề!


Không dễ mở lò mới


Trong các năm gần đây, UBND tỉnh nhận được một số yêu cầu của các cơ sở sản xuất gạch đề nghị chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất nung từ lò Hoffman sang lò Tuynel. Tuy nhiên, để chuyển đổi được cũng phải đáp ứng các đòi hỏi theo quy định.


Đơn cử gần đây nhất, UBND tỉnh nhận được đơn đề nghị chuyển đổi từ lò Hoffman sang lò Tuynel của Công ty TNHH SX-VT Thanh Thu Thảo (xã Ninh Xuân) với công suất 15 triệu viên/năm. Tuy nhiên, sau khi các sở ngành và UBND thị xã Ninh Hòa kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, rà soát các quy định hiện hành, vào giữa tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đã trả lời doanh nghiệp Thanh Thu Thảo. Trong đó, theo “Điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, đến hết năm 2020, các lò gạch Tuynel đang có phải nâng công suất lên tối thiểu 15 triệu viên/năm, còn các lò gạch chuyển đổi từ công nghệ khác sang (xây mới) thì phải đạt công suất tối thiểu 20 triệu viên/năm.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Ngày 18-11, thị xã đã ban hành thông báo rộng rãi, niêm yết công khai theo quy định danh sách 11 chủ hộ, chủ cơ sở được hỗ trợ tháo dỡ lò vòng, lò vòng cải tiến trên địa bàn; mỗi cơ sở 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 15 ngày niêm yết công khai, không có chủ lò gạch gửi đơn đề nghị hỗ trợ. Các chủ lò mong muốn được tồn tại đến năm 2025.

Ngoài việc lập phương án chuyển đổi đáp ứng yêu cầu về công suất, doanh nghiệp Thanh Thu Thảo cũng như các cơ sở có nhu cầu chuyển đổi lò gạch sang công nghệ Tuynel còn phải đáp ứng các đòi hỏi về môi trường. Đặc biệt, các lò gạch phải có được vùng nguyên liệu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên được tỉnh phê duyệt. Đối chiếu lại các cơ sở sản xuất gạch thuộc diện phải chuyển đổi hoặc đóng cửa, không nhiều cơ sở đủ các điều kiện về quy mô, nguồn vốn, đất đai để chuyển đổi. Theo ông Phan Văn Dọn - Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa, hiện nay, việc tìm được nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch đất sét với quy mô 20 triệu viên/năm mỗi lò không dễ dàng, gần như không khả thi do các điều kiện để mở vùng nguyên liệu đất sét đang được siết chặt.


Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cũng khẳng định: “Không chỉ đóng cửa khó khăn, việc chuyển đổi cũng còn gặp nhiều vướng mắc. Gần đây, theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Xây dựng và các sở liên quan phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra theo một số đơn đề nghị chuyển đổi của doanh nghiệp sản xuất gạch chuyển từ Hoffman sang Tuynel. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, công suất xin chuyển đổi của các chủ lò chưa đủ. Các chủ lò đáp ứng đủ công suất lại chưa minh chứng được nguồn nguyên liệu, vì thực tế hiện nay cấp phép mỏ đất sét dùng nguyên liệu gạch ngói đang ngày một hạn chế hơn”.


Được biết, hiện nay, các địa phương và sở ngành đang tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh có hướng giải quyết đối với những lò gạch trong diện phải chấm dứt hoạt động kể từ ngày 31-12-2020.


HỒNG ĐĂNG