Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tập trung mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp.
Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tập trung mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN). Hoạt động này không chỉ hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp NLĐ bổ sung kiến thức mới, đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Lợi ích thiết thực
Từ tháng 10 đến nay, 32 nhân viên của Công ty TNHH MTV Quảng bá sản phẩm và Nhà hàng Yến sào Khánh Hòa được đơn vị tạo điều kiện tham gia khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề. Hầu hết những nhân viên tham gia khóa học đều đã được DN ký kết hợp đồng lao động từ 3 năm trở lên. Lớp học được tổ chức vào mỗi buổi sáng tại công ty, do các giảng viên Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa truyền đạt.
Tại đây, NLĐ được học những kiến thức, kỹ năng căn bản của nghề nghiệp vụ nhà hàng; đồng thời được thực hành trực tiếp nên việc nắm bắt kiến thức rất nhanh. Anh Tạ Sỹ Hoan, nhân viên Công ty TNHH MTV Quảng bá sản phẩm và Nhà hàng Yến sào Khánh Hòa chia sẻ: “Tôi làm ở đây đã 10 năm. Với những kiến thức đã học và thực tế khiến tôi vẫn chưa theo kịp sự thay đổi, phát triển của xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực nhà hàng, khách hàng ngày càng trở nên khó tính hơn. Khách tới nhà hàng không chỉ muốn thưởng thức đồ ăn ngon mà cung cách phục vụ của nhân viên cũng phải khéo léo. Từ khi tham gia khóa đào tạo, tôi đã được dạy thêm nhiều kỹ năng. Từ đó, tôi áp dụng vào công việc hàng ngày và được khách hàng đánh giá cao; chủ DN hài lòng hơn trước. Đây là khóa học rất bổ ích và tôi mong muốn hàng năm được tham gia”.
Ông Lâm Diệu Việt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quảng bá sản phẩm và Nhà hàng Yến sào Khánh Hòa cho biết, đây là chính sách rất cần thiết. Chỉ sau một thời gian ngắn được hỗ trợ đào tạo, đa số nhân viên của đơn vị có sự thay đổi rõ nét. Kỹ năng tay nghề, xử lý tình huống được nâng cao, cách ứng xử, giao tiếp, phục vụ, đón khách trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn rất nhiều. Nhờ đó đã tạo được thiện cảm, kéo khách hàng trở lại với nhà hàng. Đơn vị mong rằng, hàng năm, các ngành chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện mở các khóa đào tạo để DN đăng ký cho NLĐ tham gia. Đồng thời, việc mở lớp cũng nên có sự thay đổi theo hướng mỗi năm đào tạo một chuyên ngành cụ thể…
Sẽ tiếp tục triển khai
Thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ ở hầu hết các DN trong tỉnh. Trên cơ sở đó, đơn vị đã chỉ đạo các trường nghề phối hợp với các DN thống nhất về thời gian, địa điểm, ngành nghề tổ chức mở các khóa đào tạo cho NLĐ ở những DN có nhu cầu. Theo đó, trong năm 2020, các trường nghề đã thực hiện đào tạo cho gần 1.000 lao động của khoảng 50 DN với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. NLĐ và DN được hỗ trợ miễn phí chi phí trong quá trình đào tạo.
Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển mạnh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều thay đổi. Chính vì vậy, hầu hết các DN đã và đang có nhiều đầu tư trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đòi hỏi NLĐ làm việc trong các DN cũng cần sự thay đổi, nhạy bén và thích ứng với công nghệ mới, linh hoạt hơn trong sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ. Năm 2020 là năm đầu tiên sở thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo NLĐ trong các DN. Với những hiệu quả, lợi ích đem lại và dựa trên nhu cầu của các DN, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, sở sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ ở các DN. Qua đó, góp phần giúp DN nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh và giúp NLĐ nâng cao thu nhập.
PHÚ AN