11:10, 06/10/2020

Chủ động ứng phó với vùng áp thấp

Sáng 6-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn khẩn về ứng phó với vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông.

Sáng 6-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn khẩn về ứng phó với vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông.

Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, hồi 7 giờ ngày 6-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp cách đảo Song Tử Tây khoảng 60km về phía Bắc Tây Bắc. Dự báo đến 7 giờ ngày 7-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ 110,0 đến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam, vùng biển Khánh Hòa (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có khả năng xảy ra mưa dông, lốc xoáy và gió giật cấp 7-8.

 

Vị trí và hướng di chuyển của vùng áp thấp
Vị trí và hướng di chuyển của vùng áp thấp


UBND Khánh Hòa yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Cụ thể, trên biển: thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến vùng áp thấp, kịp thời thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động ứng phó. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Trên bờ: tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp và mưa, kịp thời thông tin đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt ở các khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét để chủ động các biện pháp ứng phó.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó khi có yêu cầu. Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông ở các địa phương thường xuyên phát tin về diễn biến của vùng áp thấp để các cấp chính quyền, người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh, ứng phó. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời.

Theo báo cáo nhanh của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa lúc 7h30 ngày 6-10, Khánh Hòa có 4.026 tàu cá/khoảng 18.923 lao động. Hiện có 1.123 tàu cá, 5.512 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển. Cụ thể có 99 tàu, 687 thuyền viên hoạt động ở vùng biển Trường Sa; 801 tàu, 2.907 thuyền viên ở vùng biển Khánh Hoà; 90 tàu, 987 thuyền viên ở vùng biển Ninh Thuận – Bình Thuận; 125 tàu, 848 thuyền viên hoạt động ở vùng biển Vũng Tàu và 8 tàu, 83 thuyền viên hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa. Số phương tiện còn lại neo đậu tại bến.

Hiện các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm được thông tin về vùng áp thấp và có kế hoạch chủ động phòng tránh an toàn. Đơn vị đã chỉ đạo Hải đội 2 BP duy trì kíp trực gồm 2 tàu và biên đội trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Theo Chi cục Thủy lợi, mực nước trên các sông vào ngày 5-10 đều đang nằm dưới báo động 1. Cụ thể, nước trên sông cái Nha Trang là 3,11m, dưới báo động I là 4,89m, trên sông Cái Ninh Hòa 1,43m, dưới báo động 1 là 1,77m. Tại 19 hồ chứa nước thủy lợi và hồ thủy điện có tổng lượng nước là 77.58 triệu m3, chỉ đạo 31% so với dung tích có thể chứa. Đơn vị quản lý hồ chứa đã nắm bắt được tình hình thời tiết, dự báo mưa, lũ để chủ động ứng phó.

Hồng Đăng