09:09, 20/09/2020

Triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi

Từ ngày 20-9, "Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi" sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết:

Từ ngày 20-9, “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi” sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết:

 

- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số ổ dịch nhỏ. Cụ thể, ngày 12-1, bệnh cúm gia cầm (H5N6) xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm và ngày 13-8 tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh. Số gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.830 con. Bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) tiếp tục từ năm 2019 kéo dài đến ổ dịch cuối cùng vào ngày 25-2-2020. Đến ngày 20-8, ASF xuất hiện trở lại tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh. Tổng lũy kế đến ngày 22-8, ASF đã xảy ra tại 6 hộ chăn nuôi, 6 thôn, 6 xã, 3 huyện, thành phố (Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Diên Khánh). Tổng đàn heo là 228 con, số lượng heo chết, bệnh buộc tiêu hủy là 188 con, khối lượng 13.655kg. Bệnh lở mồm long móng bò xuất hiện ngày 15-5 ở 10 con bò của 3 hộ chăn nuôi bò tại xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh.

 

 

- Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm?


- Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp. Giai đoạn cuối năm, thời tiết thay đổi bất lợi, hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật phục vụ nhu cầu cuối năm gia tăng; tổng đàn vật nuôi dự kiến tăng mạnh; vì vậy nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian tới rất cao. Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi nhằm chủ động ngăn ngừa, tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm; phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh; hạn chế, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường; giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi.


- Cụ thể, hoạt động tiêu độc khử trùng sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Việc tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện theo quy định; vệ sinh cơ giới trước, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất sau; trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và các phương tiện, dụng cụ trong quá trình tiêu độc, khử trùng. Thời gian triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 20-9 đến 20-10-2020 trên địa bàn các xã, phường có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm.


Đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tập trung vào việc phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt, chôn; khơi thông cống rãnh. Tiêu độc, sử dụng vôi bột, phun hóa chất khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn... trước khi ra vào cơ sở. Tại các chợ có buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật: tổ chức quét dọn và sử dụng vôi bột, phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu vực giết mổ và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ. Những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ. Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.


Triển khai đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi: các cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở giết mổ phải tự lo vật tư, kinh phí và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Các địa phương chủ động kinh phí mua vôi bột, hóa chất và công phun hóa chất vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các nơi công cộng, vùng nguy cơ cao, chợ buôn bán gia súc, gia cầm.


- Xin cảm ơn ông!


Hồng Đăng (Thực hiện)