10:08, 26/08/2020

Đồng hành với hội viên phụ nữ

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực  cho hội viên như: Giúp vay vốn ưu đãi; dạy nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng… Qua đó, đã giúp nhiều HV phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực  cho hội viên (HV) như: Giúp vay vốn ưu đãi; dạy nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng… Qua đó, đã giúp nhiều HV phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.


Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng


Những năm trước, 3.000m2 đất quanh nhà được gia đình bà Lương Thị Thanh Thư (thôn Phú Văn, xã Ninh Trung) sử dụng trồng lúa và các loại cây tạp, hiệu quả và thu nhập không cao. Năm 2016, gia đình bà được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ trồng thử nghiệm một số cây cam xoàn. Sau thời gian chăm sóc, cây phát triển tốt. Từ 50 triệu đồng nguồn vốn vay hộ nghèo và hỗ trợ học sinh - sinh viên, gia đình bà đã cải tạo một góc vườn, đầu tư trồng thêm mấy chục cây cam và trồng rau xanh bán lấy ngắn nuôi dài. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2018, gia đình bà thoát nghèo và được Hội Phụ nữ xã cho vay 50 triệu đồng. Có thêm nguồn vốn, bà đầu tư cải tạo toàn bộ vườn cây tạp để trồng 600 gốc cam xoàn, bưởi da xanh, dừa, mít. Hiện nay, vườn nhà bà có khoảng 150 gốc cam đã cho thu hoạch. Bà Thư cho biết: “Được chăm sóc bài bản, hợp thổ nhưỡng nên cây cam phát triển tốt, cho quả quanh năm. Có những gốc thu hoạch từ 30 đến 35kg/vụ, giá bán 25.000 đồng/kg. Vụ cam này đã được một số doanh nghiệp, cá nhân đặt mua hết. Ngoài trồng cây ăn quả, gia đình tôi còn sản xuất hơn 1,5ha lúa. Hiện nay, gia đình tôi bắt đầu có thu nhập ổn định và tích lũy được vốn để tiếp tục tái đầu tư”.

 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Trung, ngoài hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn các HV chuyển đổi cây trồng, hội nhận thấy cây bưởi rất có tiềm năng kinh tế, hợp với thổ nhưỡng địa phương nên đã thực hiện “Mô hình phát triển cây bưởi da xanh” nhằm gây quỹ hội và tạo địa điểm trao đổi kinh nghiệm cho HV. Mô hình được xây dựng tại thôn Thạch Định với diện tích 2.500m2, trồng khoảng 100 gốc bưởi, do các thành viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ trồng và chăm sóc. Hiện nay, cây phát triển rất tốt. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ 600 cây bưởi da xanh cho HV có hoàn cảnh khó khăn tại 7 chi hội phụ nữ. Việc hỗ trợ cây giống dựa trên điều kiện đất canh tác của các hộ. Ngoài ra, hội phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật thị xã hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây đạt năng suất cao.


Linh hoạt cách giúp đỡ, hỗ trợ


Theo bà Đoàn Thị Lực - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ninh Hòa, nhằm khuyến khích, giúp đỡ HV vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hội có nhiều cách giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cụ thể như, hội phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa, Công ty mây tre lá Đạt Phát tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thị xã. 6 tháng năm 2020, hội mở 10 lớp dạy nghề may, nấu ăn, pha chế đồ uống, đan mây tre lá cho 346 HV; giới thiệu việc làm cho 624 HV với thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Hội còn tặng 10 phương tiện sinh kế cho phụ nữ khuyết tật, nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại các xã, phường: Ninh Trung, Ninh Thủy, Ninh Bình với số tiền hơn 41 triệu đồng.


Bên cạnh đào tạo nghề, phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế cũng lan tỏa khắp các địa phương với những cách làm linh hoạt: Giúp đỡ ngày công lao động, cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất…, giúp hình thành các tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế. Tiêu biểu là mô hình phát triển cây bưởi da xanh và phát động phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ cây giống cho HV của Hội Phụ nữ xã Ninh Trung; mô hình hoán đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ trồng lúa sang trồng sen và khổ qua của Hội Phụ nữ phường Ninh Đa; tổ phụ nữ giúp nhau ngày công của phụ nữ xã Ninh Vân…


Khó khăn về vốn là một trong những rào cản của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Để khắc phục, những năm qua, hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... hỗ trợ HV nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tính đến nay, tổng nguồn vốn do hội quản lý hơn 322,8 tỷ đồng, cho gần 14.200 hộ vay. Từ nguồn vốn vay, các dự án của HV được triển khai ở nhiều ngành nghề như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề truyền thống…


“Để giúp HV phát triển kinh tế bền vững, thời gian tới, hội tiếp tục vận động HV tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngành nghề, trang trại; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế… phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và điều kiện thực tế tại địa phương”, bà Lực nói.


Khánh Hà