09:08, 17/08/2020

Đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục thực hiện chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết...

 

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục thực hiện chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

 


- Triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc điều tra, khảo sát, xác minh các đối tượng theo quy định. Đối với đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, do đã có hồ sơ quản lý nên việc xác minh khá nhanh gọn. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chi xong 3 tháng hỗ trợ cho 5.290 người có công với cách mạng với số tiền hơn 7,9 tỷ đồng. Nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội cũng có hồ sơ quản lý nên việc rà soát không mất nhiều thời gian. Toàn tỉnh cũng đã chi trả xong 3 tháng hỗ trợ với số tiền hơn 142 tỷ đồng cho 34.385 người thuộc hộ nghèo, 77.344 người thuộc hộ cận nghèo và 38.910 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng.


Riêng về nhóm đối tượng người lao động và doanh nghiệp, do gặp nhiều vướng mắc, khó khăn từ cơ sở trong việc xác định đối tượng theo quy định nên bị kéo dài thời gian. Với nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, việc rà soát, xác minh đối tượng đã hoàn tất. Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu trình UBND tỉnh 22.280 đối tượng người lao động và hộ kinh doanh với tổng kinh phí hơn 22,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 2-8, UBND tỉnh mới chỉ ban hành quyết định phê duyệt chi hỗ trợ cho 11.954 đối tượng với số tiền hơn 12,1 tỷ đồng. Qua theo dõi việc chi trả thì hiện nay, các địa phương mới chi trả hỗ trợ cho 3.394 đối tượng với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Việc chi hỗ trợ bị chậm do UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp kinh phí cho các xã, phường, thị trấn còn chậm.


- Hiện nay, tỉnh có mở rộng thêm nhóm đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 không, thưa ông?


- Qua kiến nghị, đề xuất của các cấp, ngành, địa phương về việc mở rộng đối tượng: Giáo viên trường tư thục, người cao tuổi, mất sức lao động, bệnh mãn tính, không có lương hưu, không có tiền trợ cấp hàng tháng, sống nhờ con cái, bản thân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng hoàn cảnh thực sự khó khăn…, căn cứ tình hình thực tế, sở đã tham mưu UBND tỉnh không bổ sung các đối tượng hỗ trợ khác ngoài đối tượng đã được quy định theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi, nếu bổ sung, mở rộng đối tượng nêu trên thì sẽ có rất nhiều người lao động khác như: Thợ hồ, thợ mộc, thợ nhôm, thợ sắt, bảo mẫu… ước khoảng 50.000 người, tương đương chi ngân sách hơn 150 tỷ đồng/3 tháng. Điều này sẽ tạo ra áp lực cho ngân sách địa phương, đồng thời tạo ra sự so sánh giữa những người được bổ sung với người không được bổ sung, dễ xảy ra bức xúc dư luận, phát sinh đơn thư khiếu nại.


Trong khi đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất Chính phủ bổ sung, mở rộng thêm đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, thời gian mất việc từ tháng 1 đến ngày 30-6 được hưởng chính sách hỗ trợ. Nếu Chính phủ đồng ý thì sẽ có rất nhiều người được hưởng chính sách và kinh phí ngân sách của tỉnh thực hiện hỗ trợ sẽ tăng cao…


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)