12:07, 09/07/2020

Đẩy mạnh truyền thông về dân số và phát triển

Theo kế hoạch hoạt động chương trình truyền thông dân số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 của UBND tỉnh, công tác truyền thông về nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển của đất nước được tập trung đẩy mạnh.

 

Theo kế hoạch hoạt động chương trình truyền thông dân số (DS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 của UBND tỉnh, công tác truyền thông về nâng cao chất lượng DS, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển của đất nước được tập trung đẩy mạnh.


Những mục tiêu truyền thông ưu tiên


Theo kế hoạch, chương trình truyền thông ưu tiên mục tiêu chính về: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân về chương trình DS và phát triển, trọng tâm là kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái; nâng cao nhận thức của người dân về tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tuyên truyền để giảm, tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành của vị thành niên, thanh niên về các vấn đề về DS, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); hỗ trợ, chăm sóc nâng cao sức khỏe người cao tuổi...

 

Tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số cho người dân xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa.

Tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số cho người dân xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa.


Ông Phan Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, để thực hiện tốt mục tiêu trên, ngành DS đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn từ năm 2020 đến 2025 và từ năm 2025 đến 2030. Trước mắt, từ năm 2020 đến 2025, ngành DS tỉnh cố gắng phấn đấu thực hiện phổ biến thông tin về chương trình DS và phát triển, cam kết chung tay hỗ trợ thực hiện các mục tiêu DS đến 100% tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; 85% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết đầy đủ về lợi ích của cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con; 95% cán bộ và nhân viên y tế, cơ sở y tế hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi;  phấn đấu 70% phụ nữ mang thai đồng ý tham gia tầm soát trước sinh, 85% bà mẹ đồng ý tầm soát sơ sinh; 80% trẻ vị thành niên, thanh niên hiểu và có kỹ năng thực hành về DS, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; 70% cha mẹ có con trong tuổi vị thành niên, thanh niên ủng hộ, hướng dẫn con cái chủ động tìm hiểu về sức khỏe sinh sản lứa tuổi; 75% người cao tuổi hiểu và áp dụng các kiến thức về các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp…


Cần sự chung tay


Để thực hiện đạt các mục tiêu này, thời gian tới, ngành DS tỉnh sẽ tăng cường cung cấp thông tin về DS và phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia truyền thông về DS và phát triển. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông toàn diện và tập trung xây dựng các mô hình hoạt động về DS và phát triển; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về DS và phát triển phù hợp cho các đơn vị, địa phương, ưu tiên tuyến cơ sở, nhất là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác DS, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực của các tầng lớp nhân dân về DS và phát triển. Song song đó, sẽ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông DS, báo cáo viên, tuyên truyền viên các ngành; triển khai, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hiệu quả về truyền thông; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về DS và phát triển…


Ông Giáp cho biết, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Mức sinh giữa các vùng, miền còn chênh lệch đáng kể; dân số đang già hóa nhanh; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức cao 110,6 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2019); tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước; tình hình phân bố DS, quản lý nhập cư, di dân còn bất cập. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở một số đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, mới chỉ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực KHHGĐ… Vì vậy, để kế hoạch hoạt động chương trình truyền thông DS trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đi đúng hướng và đạt các mục tiêu đề ra, rất cần sự chung tay phối hợp của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân và sự chia sẻ, đồng hành của toàn xã hội.


Lưu Khánh