6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không chỉ xảy ra tình trạng cháy rừng mà số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng gia tăng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.
6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không chỉ xảy ra tình trạng cháy rừng mà số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng gia tăng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Số vụ vi phạm tăng
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 194 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 39 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, do thời tiết nắng nóng, tại các địa phương đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng tự nhiên và rừng trồng.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng tại thị xã Ninh Hòa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là việc phòng, chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô năm nay. Nạn cưa cây lấy gỗ, lấn chiếm đất rừng tại khu vực rừng căm xe Ninh Tây tuy đã giảm nhưng vẫn khá phức tạp. Các đối tượng khai thác gỗ căm xe trái phép sử dụng cưa điện để hạ cây, rất khó phát hiện; khi bị phát hiện thì đưa phụ nữ, trẻ em ra ngăn cản lực lượng của cơ quan chức năng… 6 tháng qua, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện 77 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đã xử lý hành chính 69 vụ, 1 vụ vi phạm đã tiến hành khởi tố chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ninh Hòa để tiếp tục điều tra, xử lý. Trên địa bàn đã xảy ra 1 vụ cháy rừng trồng, diện tích thiệt hại lên đến 97,68ha.
Tại huyện Khánh Sơn, việc đốt nương làm rẫy của người dân gây cháy lan vào rừng là vấn đề đáng quan tâm. Trong cao điểm mùa khô năm nay, huyện xác định có 4.527ha rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Tuy công tác tuyên truyền, tổ chức tuần tra, canh coi lửa rừng được chú trọng nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra 6 vụ cháy rừng trong diện tích quy hoạch lâm nghiệp. Ngoài ra, có 5 vụ cháy rừng trồng khác trên diện tích đất không thuộc quy hoạch lâm nghiệp, với tổng diện tích bị ảnh hưởng lên đến 52ha. Các vụ cháy trên địa bàn huyện chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân người dân đốt nương làm rẫy gây cháy lan vào rừng tự nhiên và rừng trồng.
So với các địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng tại huyện Khánh Vĩnh được xác định khó khăn, phức tạp nhất. Trong số 45 vụ việc Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh phát hiện, tiếp nhận (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm trước), có 2 vụ sử dụng xe ô tô để vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng hơn 4,7m3; có 37 vụ vi phạm đến nay lực lượng chức năng chưa xác định được đối tượng vi phạm. Hạt Kiểm lâm địa phương đang tạm giữ hơn 27m3 gỗ tròn, hơn 57m3 gỗ xẻ hộp, 1 xe ô tô để tiếp tục điều tra xử lý. Đáng chú ý, có 6 vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự, Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh đã ra quyết định khởi tố 1 vụ và đang tiếp tục điều tra 5 vụ việc khác. Không chỉ vậy, tháng 5 vừa qua, trên địa bàn huyện liên tục xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây ảnh hưởng đến hàng chục héc-ta rừng tự nhiên và rừng trồng.
Tăng cường phối hợp
Với những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại các địa phương, cuối tháng 5, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, bên cạnh việc tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp; kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng trái pháp luật. Đồng thời, thường xuyên giám sát, quản lý nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản; xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các điểm nóng chặt phá rừng, sản xuất kinh doanh lâm sản trái pháp luật; duy trì có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo vi phạm về lâm nghiệp, có chính sách động viên, bảo vệ người báo tin. Ngoài ra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi phá rừng; xử lý nghiêm chủ rừng, người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là hành vi tiêu cực, tiếp tay cho đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng…
Qua kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng tại một số địa phương trong tỉnh gần đây, ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị lực lượng chức năng các địa phương bám sát các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh; nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chú trọng công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và UBND cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
HẢI LĂNG