09:06, 16/06/2020

Đằng sau những gia đình tan vỡ

15 năm trở lại đây, số cặp vợ chồng ly hôn mỗi năm đều tăng mà nguyên nhân chính vẫn là do mâu thuẫn gia đình không thể dung hòa. Năm 2005, số vụ ly hôn là 1.547 vụ, năm 2010 là 2.346 vụ và đến năm 2019 tăng lên 4.252 vụ. Đằng sau những gia đình tan vỡ là những nỗi đau và bao hệ lụy.

15 năm trở lại đây, số cặp vợ chồng ly hôn mỗi năm đều tăng mà nguyên nhân chính vẫn là do mâu thuẫn gia đình không thể dung hòa. Năm 2005, số vụ ly hôn là 1.547 vụ, năm 2010 là 2.346 vụ và đến năm 2019 tăng lên 4.252 vụ. Đằng sau những gia đình tan vỡ là những nỗi đau và bao hệ lụy.


Những đứa trẻ bơ vơ


Đây không phải là lần đầu ông N.V.P., ở xã Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa phải “ở ngoài sân”. Cậu con trai mà 15 năm qua một tay ông chăm sóc, thỉnh thoảng lại “giải tỏa” cơn giận cha bằng cách... đóng cửa không cho ông vào nhà. Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, ông P. một tay nuôi 2 con nhỏ và tuyệt đối không cho chúng tiếp xúc với mẹ mình.


Cuộc sống gia đình khó khăn, ông P. vừa chăm sóc con vừa bươn chải lo kinh tế. Nhưng dù cố gắng thế nào, ông cũng không làm sao bù đắp được khoảng trống tình cảm khi các con thiếu sự chăm sóc của người mẹ. Sự nghiêm khắc có lúc tàn nhẫn của người cha trong cảnh “gà trống nuôi con” đã đẩy cậu con trai lớn rời khỏi gia đình một thời gian sau một trận đòn “thừa sống thiếu chết” vì “cả gan” đi gặp mẹ mình! Sau khi trở về, đứa con dường như không để ý đến ông P. Với ông, cả 2 đứa con giờ đây đều bất trị.


Tan vỡ gia đình phần lỗi thuộc về người lớn. Nhưng con trẻ mới là người nhận hậu quả nặng nề nhất. Đầu tháng 6, chúng tôi gặp N.K.H. trong một lớp học tình thương ở TP. Nha Trang. Cha mẹ ly hôn, mỗi người đi tìm một chân trời riêng. H. sống cùng với bà nội. Mỗi tối, khi bà nội đi bán nước dạo thì H. đến lớp học tình thương. Giờ đây, cô bé ấy đã rời sách vở để lao vào cuộc mưu sinh vì bà nội cũng không còn đủ sức khỏe để có thể lo mãi cho em được.


Cũng ở thị xã Ninh Hóa, bé B. đang sống cùng ông bà nội khi cha mẹ em đều đi tìm cuộc sống mới. B. là kết quả mối tình trẻ của cha mẹ mình. Sau những ngày tháng ngọt ngào, cha mẹ B. không thể chịu nổi những va vấp của thực tế cuộc sống vợ chồng. B. bị bỏ lại cho ông bà nội ngay sau ngày đơn ly hôn được ký. Lúc đó, em vẫn còn chưa biết gì. Đã 4 năm sống thiếu tình thương cha mẹ, B. tỏ ra ít nói.


Tan vỡ từ những mâu thuẫn nhỏ!


Chị N.T.N.N ở TP. Nha Trang kể, sau cuộc hôn nhân tan vỡ chị không có ý định sẽ đi thêm bước nữa mặc dù còn trẻ. Khi nhắc về chồng cũ và cuộc hôn nhân của mình, chị vẫn dùng những lời lẽ rất dịu dàng. Chị nói: “Chồng tôi trước đây là một người đàn ông tốt. Sau ly hôn, tôi phải mất 5 năm mới có thể dứt hẳn mọi chuyện. Chỉ vì tôi không thể hòa hợp với mẹ chồng mà dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình”.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh - Tổ trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Khánh Hòa: Ngày nay, giới trẻ ly hôn nhiều là do kỹ năng sống, ứng xử và tổ chức gia đình của các bạn còn hạn chế. Áp lực kinh tế nhiều cũng khiến cho các bạn ít quan tâm đến gia đình. Các bạn kết hôn sớm nên không thấy hết giá trị gia đình, “vì mình” nhiều hơn nên khi có những mâu thuẫn nhỏ cũng có thể nghĩ đến ly hôn. Việc ảnh hưởng lối sống tự do phương Tây, bình đẳng giới được nâng cao nên người phụ nữ chủ động hơn, họ không chấp nhận những điều áp đặt vô lý. Ngoài ra, việc ngoại tình, quan hệ ngoài luồng cũng ít bị lên án hơn ngày trước nên dễ dẫn đến ly hôn. Để gìn giữ hạnh phúc gia đình thì sự nhẫn nhịn là điều quan trọng nhất, đừng để những mâu thuẫn nhỏ trở thành mâu thuẫn lớn, không thể giải quyết được.

Cũng có nhiều khi, sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, người trong cuộc vẫn chưa hiểu tại sao lại xảy ra như vậy, mặc dù cả hai rất yêu nhau trong suốt một thời gian tưởng chừng như không gì thay đổi được. Như trường hợp chị L.T.B. (24 tuổi). Sau khoảng thời gian tìm hiểu, chị và chồng tiến đến hôn nhân. Cứ tưởng hạnh phúc dài lâu, nhưng chỉ 2 năm sau, anh chị nảy sinh mâu thuẫn vì không hợp nhau; thường xuyên cãi vã rồi ly thân, cuối cùng, cuộc hôn nhân đó không thể nào cứu vãn.


Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ly hôn của các gia đình trẻ ngày càng phổ biến là do quan niệm về tình yêu và hôn nhân của thế hệ trẻ chưa chín chắn, vội vàng và vì họ thiếu kiến thức về hôn nhân. Bà Nga nói: “Các bạn trẻ còn thiếu kỹ năng xây dựng tổ ấm, dành ít thời gian cho nhau, thiếu sự cảm thông và chưa dẹp bỏ được cái tôi để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong cuộc sống ngày nay, thế giới ảo một phần chi phối giới trẻ và cũng góp phần khiến các bạn bớt quan tâm và lắng nghe nhau. Những vướng mắc, bất hòa thường không được chia sẻ, lắng nghe, cảm thông và cùng nhau giải quyết. Câu chuyện kết hôn và ly hôn trở nên dễ dàng hơn và tất nhiên để lại nhiều hệ lụy”.


Vì vậy, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên cần có sự thông cảm, sẻ chia và tôn trọng nhau. Chỉ có sự thẳng thắn trao đổi, góp ý để xây dựng nhau cùng tiến bộ thì mới có thể duy trì được sự hòa thuận, êm ấm trong gia đình. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cần được giáo dục, cung cấp kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình. Một môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh cũng là tác nhân giúp hạnh phúc gia đình được bền vững.


THANH TRÚC