Triển khai từ tháng 8-2014, đến nay, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ rừng, qua đó góp phần tạo động lực trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Triển khai từ tháng 8-2014, đến nay, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ rừng, qua đó góp phần tạo động lực trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc chi trả này vẫn gặp khó khăn đối với các chủ rừng cá nhân, hộ gia đình.
Hiện nay, toàn tỉnh có 112.080ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, diện tích của chủ rừng tổ chức là 109.955ha, chiếm 98%, còn lại 2.125ha của gần 2.500 hộ gia đình, cá nhân, chiếm 2% tổng diện tích chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, dự kiến từ các nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hơn 9,7 tỷ đồng; quỹ sẽ chi hơn 7,8 tỷ đồng cho 10 đơn vị chủ rừng là các tổ chức, doanh nghiệp; chi hơn 180 triệu đồng cho 30 UBND cấp xã; chi gần 70 triệu đồng cho khoảng 2.500 hộ gia đình cá nhân ở 35 xã, thị trấn trong tỉnh.
Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng cho các chủ rừng là tổ chức. Đối với hàng nghìn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, quỹ vẫn phải chi trả bằng tiền mặt; tuy nhiên, tỷ lệ chi trả thấp. Nguyên nhân là do diện tích rừng cung ứng dịch vụ của các hộ gia đình ít nên số tiền nhận được thấp, thậm chí có hộ chỉ vài nghìn đồng mỗi năm nên họ không đến nhận.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là quan hệ cung ứng và chi trả giữa bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng như: Sản xuất thủy điện, sản xuất và cung cấp nước sạch, sản xuất nước công nghiệp… Các đơn vị này phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho các tổ chức, cá nhân là chủ các diện tích rừng nằm trong lưu vực cung cấp dịch vụ môi trường rừng. |
Việc mở tài khoản ngân hàng cho các đơn vị chủ rừng hộ gia đình, cá nhân được xem là giải pháp hiệu quả để chi trả toàn bộ tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng, nhưng việc tuyên truyền, vận động người dân chấp nhận cũng chỉ được số ít, bởi nhiều chủ rừng sống ở vùng sâu, vùng xa, ít tiếp cận với việc sử dụng tài khoản ngân hàng. Mặt khác, một số chủ rừng có diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ nhỏ lẻ, số tiền nhận chi trả hàng năm ít nên không mở tài khoản...
Theo ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh), những năm qua, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp các chủ rừng có thêm nguồn kinh phí để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm chi từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, có một thực tế ở địa phương hiện nay là các hộ gia đình, cá nhân chưa mặn mà tham gia chính sách này. Toàn xã Khánh Hiệp có hàng trăm héc-ta rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân, nhưng chỉ có gần 30ha rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng; số tiền nhận được 1 năm chỉ hơn 500.000 đồng, chia ra mỗi hộ chỉ được mấy chục nghìn đồng, thậm chí có hộ chưa đến 10.000 đồng nên họ không đến nhận.
Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo quỹ thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình, cá nhân qua tài khoản ngân hàng. Tới đây, khi làm việc với các địa phương để rà soát lưu vực, xác định cụ thể diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ rừng thực hiện mở tài khoản ngân hàng. Đối với việc chi trả, hộ nào có tài khoản ngân hàng sẽ chi trả bằng hình thức chuyển khoản, hộ nào chưa có chúng tôi sẽ tiếp tục chi trả bằng tiền mặt”.
HẢI LĂNG