UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2020.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2020.
Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 8, nhiệt độ không khí trung bình cao hơn cùng thời kỳ 0,5 - 10C, nhiều đợt nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 10 - 40%. Hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực cấp nước của các công trình thủy lợi dẫn tới thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, xâm nhập mặn, cháy rừng…
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đề ra giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Theo đó, đối với sản xuất nông nghiệp, cấp nước theo thứ tự ưu tiên: sinh hoạt - chăn nuôi - cây trồng giá trị cao; tính toán lượng nước để bố trí cây trồng hợp lý; tăng cường quản lý, phân phối, sử dụng nước tiết kiệm; tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm nước; nạo vét, vận hành trạm bơm dã chiến… Các hồ chứa có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, đặc biệt ưu tiên cấp nước theo thứ tự ưu tiên nói trên; các đơn vị cấp nước chủ động cấp nước cho người dân, khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra; sử dụng các biện pháp bổ sung như đào giếng, vận chuyển cấp nước. UBND tỉnh đưa ra 2 kịch bản, nếu trước tháng 6 thời tiết có mưa thì các sở, ngành, địa phương, đơn vị tính toán chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; nếu các tháng tới không mưa, dòng chảy sông suối thiếu hụt 40 - 60% so với trung bình nhiều năm, dung tích hồ chỉ còn 30% (75 triệu m3), các địa phương chủ động thực hiện theo phương án đã xây dựng. Đối với sản xuất, tổng diện tích là 4.460ha/18.940ha; diện tích bỏ vụ là 14.480ha/20.200ha; diện tích phải bơm chống hạn cuối vụ là 1.520ha. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện các biện pháp chống hạn là 88,6 tỷ đồng.
V.L