10:05, 29/05/2020

Quy định quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy: Cần được sửa đổi

Thời gian qua, lĩnh vực đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn được quan tâm, đầu tư tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy hiện còn nhiều bất cập, cần được sửa đổi để phù hợp với thực tế.

 

Thời gian qua, lĩnh vực đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn được quan tâm, đầu tư tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy hiện còn nhiều bất cập, cần được sửa đổi để phù hợp với thực tế.


Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ


Hiện nay, toàn tỉnh có 385km đường bờ biển và hơn 200 đảo lớn nhỏ, có nhiều khu dân cư trên các đảo, bán đảo mà phương thức giao thông duy nhất tiếp nhận bằng đường thủy, như: Bình Hưng, Bình Ba, Hòn Tre, các khu dân cư trên bán đảo Hòn Gốm - vịnh Vân Phong… Để đáp ứng nhu cầu của người dân, những năm qua, tỉnh đã cho xây dựng các bến thủy phục vụ mục đích dân sinh tại các khu dân cư trên đảo. Tại các bến đều có các tổ, đội đò dân sinh phục vụ người dân trên các đảo.

 

Bến đò dân sinh thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh).

Bến đò dân sinh thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh).


Những năm qua, để khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư các phương tiện thủy, cơ quan thuế của tỉnh đã miễn nộp lệ phí trước bạ cho các loại tàu, thuyền không có động cơ, trọng tải toàn phần đến 15 tấn; tàu thuyền có động cơ công suất máy chính đến 15CV; tàu, thuyền có sức chở đến 12 người; tàu thủy chở khách tốc độ cao và tàu, thuyền vận tải container. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng có chính sách miễn thu giá dịch vụ cho học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 10 tuổi, người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt theo quy định của pháp luật… khi sử dụng bến thủy nội địa được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước.


Ngoài ra, địa phương cũng có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đóng mới phương tiện. Tuy nhiên, với đặc thù các phương tiện thủy đóng mới chủ yếu phục vụ vận chuyển khách du lịch, có quy mô không lớn, sức chở dưới 50 người. Vì vậy, các doanh nghiệp thường không gặp khó khăn bố trí vốn và ít phải vay các tổ chức tín dụng để đầu tư phương tiện. Hiện số phương tiện đang thế chấp tại ngân hàng chỉ chiếm khoảng 3% tổng số phương tiện đang lưu hành trên toàn tỉnh.


Ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh, nhất là đối với địa phương phát triển mạnh mẽ về du lịch biển, đảo. Vì vậy, thời gian qua, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh có nhiều bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách đi tham quan các tuyến đảo. Tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đường thủy và người dân.


Vẫn còn bất cập

 

Theo quyết định năm 2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020, toàn tỉnh có 176 bến thủy nội địa, gồm 120 bến khách, 2 bến hàng hóa, 50 bến tổng hợp, 4 bến chuyên dùng; tổng số tuyến đường thủy nội địa được quy hoạch là 151 tuyến với gần 2.000km. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 phương tiện thủy nội địa hoạt động.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đường thủy nội địa của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 47 năm 2015 chủ yếu tập trung vào việc giải quyết nguồn vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư phương tiện thủy nội địa. Để thúc đẩy phát triển hoạt động giao thông đường thủy, các quy định của Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy cần sửa đổi để phù hợp với đặc trưng của từng địa phương.


Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa để khai thác phục vụ riêng cho phương tiện thuộc doanh nghiệp cá nhân đó; hoặc các bến do UBND cấp xã xây dựng phục vụ mục đích kết hợp vận tải dân sinh và đánh bắt thủy sản, số phương tiện xuất bến trong ngày rất ít. Đối với các bến này, cần có quy định hướng dẫn về quy trình cấp phép hoặc quản lý phương tiện ra, vào bến riêng để chủ bến tự chịu trách nhiệm thực hiện. Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số bến thủy nội địa hoạt động kết hợp phục vụ dân sinh và đưa đón khách du lịch, được xây dựng từ trước năm 2008 và có trong quy hoạch giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020 nhưng lại chưa được cấp phép. Sở Giao thông vận tải đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có ý kiến cho phép các chủ bến nội địa này được tiến hành lập lại hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của bến, hồ sơ hoàn công… và hoàn thiện đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến.


Ngoài ra, các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hầu hết là tuyến ra các đảo gần bờ nằm trong vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh, có luồng chạy tàu trùng một phần hoặc hoàn toàn với luồng hàng hải. Trong khi đó, theo quy định, hiện Cảng vụ hàng hải Nha Trang là đơn vị thực hiện quản lý hoạt động tại các bến thủy nội địa và cấp giấy phép cho các phương tiện ra, vào bến trong vùng nước cảng biển của tỉnh. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu, bố trí kinh phí thực hiện công tác khảo sát, xác định luồng chạy tàu, báo hiệu đường thủy đối với các tuyến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển của tỉnh cho Cảng vụ hàng hải Nha Trang để việc quản lý được thuận lợi.


THÀNH NAM