Từ đầu năm đến nay, vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Ngành chức năng đang chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Từ đầu năm đến nay, vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Ngành chức năng đang chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Thời gian gần đây, cùng với việc tuần tra phòng cháy, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Sơn Tân (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) liên tục chia ca, cắt cử người tuần tra các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại; các khu vực nương rẫy, nơi các đối tượng thường cất giấu gỗ khai thác trái phép thuộc địa bàn xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm). “Sau một thời gian tạm yên, tình trạng khai thác lâm sản trái phép có dấu hiệu gia tăng. Gần đây, chúng tôi đã tuần tra, phát hiện 3 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác, cất giấu lâm sản trái phép trên địa bàn xã Sơn Tân, số lâm sản bị phát hiện lên đến hơn 4m3”, ông Nguyễn Lê Huynh - Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Sơn Tân cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, qua tuần tra kiểm soát, đơn vị đã phát hiện 63 vụ vi phạm liên quan đến khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, với hơn 17,5m3 gỗ hộp, hơn 9,8m3 gỗ tròn các loại. Thời gian gần đây, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn công ty quản lý diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại các khu vực: Khánh Thượng, Sơn Thái, Liên Sang, Khánh Phú và Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh). Các đối tượng chủ yếu chọn những cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao như: pơ mu, gõ, kiền kiền, bách xanh… để khai thác; việc vận chuyển ra khỏi rừng thường được thực hiện vào đêm khuya. Vì lợi nhuận cao nên các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trước nguy cơ các đối tượng khai thác lâm sản trái phép quay lại nghề cũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các đối tượng không trở lại khai thác lâm sản trái phép. Đồng thời, các đơn vị phải triển khai nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; chống khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. |
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, quý I năm nay, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng diễn biến khá phức tạp. Qua tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện 105 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng 43 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Các địa bàn có số vụ vi phạm tăng là Ninh Hòa tăng 28 vụ, Khánh Sơn tăng 6 vụ…
Một trong những nguyên nhân được các chủ rừng xác định là nhiều đối tượng do đời sống khó khăn nên khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đối tượng trước đây đã bỏ nghề rừng, chuyển sang công việc khác, hiện nay lại trở về địa phương, quay lại nghề cũ. Việc các đối tượng trở lại phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy không chỉ gây mất rừng mà dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng, nhất là trong cao điểm mùa khô năm nay.
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay: Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, thời gian tới, lực lượng kiểm lâm sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; quyết liệt xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các điểm kinh doanh lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp; chấn chỉnh, xử lý người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật.
BÍCH LA