10:04, 08/04/2020

Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Trẻ em được chăm lo cải thiện cuộc sống, được học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn diễn biến phức tạp. 
 

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã có những chuyển biến tích cực. Trẻ em được chăm lo cải thiện cuộc sống, được học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn diễn biến phức tạp. 
 
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2019, toàn tỉnh có 40 trẻ bị tai nạn thương tích, 26 trẻ bị tử vong do đuối nước. Các trường hợp tai nạn thương tích thường gặp như: bỏng nước, ngã, tai nạn giao thông, ngộ độc, súc vật cắn và các tai nạn khác. 
 
Chính vì vậy, trong kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hiểm họa tai nạn thương tích và những kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em được chú trọng. Cùng với đó, sở xây dựng “Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em”; “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn”; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn cho trẻ… Triển khai chương trình, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các đơn vị phát hành hơn 3.000 cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 4.300 cuốn tài liệu về công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; 3.200 tờ rơi về phòng, chống bạo lực trẻ em để tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trường học; tổ chức hơn 500 buổi nói chuyện với chủ đề phòng, chống tai nạn giao thông cho hơn 154.500 lượt học sinh các cấp tham gia. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông ở trẻ em.
 
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, hàng năm, sở đều tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ huyện đến cơ sở nhằm trang bị, cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, gia đình. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, sở đã tổ chức hơn 30 lớp tập huấn cho hơn 1.000 lượt cán bộ các xã, phường, thị trấn, cán bộ thôn, bản về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương.

 

Tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức năm 2019.
Tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức năm 2019.
 
 
Chị Mai Thị Thu (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) cho biết, năm 2019, chị tham gia tập huấn mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Qua đó, chị hiểu rõ hơn về việc đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, đảm bảo an toàn về điện, các đồ dùng sắc nhọn… phải để xa tầm tay trẻ em. 
 
Theo ông Võ Bình Tân, nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn thương tích với trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích ở trẻ thời gian qua hầu hết do cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn lơ là, tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng để trẻ tự do tìm đến sông, suối, ao hồ đùa nghịch, tắm mà không có sự giám sát của người lớn… Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể tổ chức các lớp tập bơi; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn đuối nước cho học sinh và người dân; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình, bậc phụ huynh quan tâm, giám sát con em mình, cũng như tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để đặt biển cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình như: “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em…
 
THANH TRÚC