Nhờ có sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, bằng nhiều biện pháp thực hiện, đến nay, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới đã có chuyển biến tích cực. Nhiều cặp vợ chồng đã biết chia sẻ với nhau công việc nhà, nuôi dạy con cái...
Nhờ có sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh Khánh Hòa, bằng nhiều biện pháp thực hiện, đến nay, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) về bình đẳng giới đã có chuyển biến tích cực. Nhiều cặp vợ chồng đã biết chia sẻ với nhau công việc nhà, nuôi dạy con cái...
Nhận thức người dân được nâng cao
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, trong công tác bình đẳng giới ở huyện miền núi, truyền thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Để ĐBDTTS tích cực chấp hành Luật Bình đẳng giới, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực. Hàng năm, bên cạnh các buổi tuyên truyền của đoàn thể, bộ phận làm công tác gia đình thường xuyên phối hợp với bộ phận tư pháp, hộ tịch của các xã, thị trấn nơi tập trung đông ĐBDTTS tổ chức tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới... Đặc biệt, mỗi năm 2 lần, sở tổ chức sinh hoạt riêng với ĐBDTTS về 2 luật này. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”, sở thường xuyên phối hợp với vùng có đông ĐBDTTS, chủ yếu là 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, vận động các địa phương tiếp âm phát sóng tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi của ĐBDTTS, trong đó chú trọng vào các địa bàn vùng DTTS có biểu hiện nguy cơ cao về bất bình đẳng giới.
Ông Mấu Văn Hưng (người dân tộc Raglai ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, người Raglai vốn theo chế độ mẫu hệ - người phụ nữ trong gia đình được đề cao, có quyền quyết định mọi việc. Tuy nhiên, hiện nay quan niệm này đã dần được thay đổi, người đàn ông cũng đã có một vị trí nhất định. Gia đình ông có 5 con trai, 1 con gái đều được đến trường. Con trai hay con gái cũng đều quan trọng nên cần được tạo điều kiện ngang nhau để cùng phát triển.
Bà Cao Thị Thu (huyện Khánh Sơn) chia sẻ: “Con cái đã lớn nên ngoài công việc riêng, vợ chồng tôi còn có sở thích chung là biểu diễn văn nghệ, thường xuyên đi hát phục vụ các sự kiện trong xã... Được chồng chia sẻ công việc nhà, tôi thấy yên tâm và thoải mái tham gia các hoạt động xã hội”.
Chung tay xóa bỏ định kiến
Bà Mấu Thị Khuyết - Phó Trưởng khoa Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Khánh Sơn cho biết, chung tay trong công tác bình đẳng giới trong ĐBDTTS, năm 2019, ban chỉ đạo DS-KHHGĐ các xã, thị trấn đã tổ chức tư vấn 259 nhóm với nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh; tảo tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với 4.681 người tham dự và thăm 1.459 hộ gia đình/2.076 lượt. Công tác truyền thông phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của người dân địa phương như: tổ chức các buổi họp, sinh hoạt câu lạc bộ tuyên truyền về DS-KHHGĐ vào buổi tối; lồng ghép với các hoạt động, mô hình của các ban, ngành khác; cách thức truyền đạt ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu… Chính vì vậy, các nội dung tuyên truyền, trong đó có mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới... đã được các chị em phụ nữ ngày càng hiểu, nhận thức đúng.
Theo bà Nguyễn Đình Hồng Loan - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng các khu vực có đông ĐBDTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận được với tri thức, các dịch vụ. Cụ thể, hiện vẫn đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm DTTS với nhau, giữa các khu vực, vùng miền trong việc được tiếp cận với giáo dục, đào tạo; hiện tượng tái mù chữ vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở một số địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa... Để nâng cao vị thế cho phụ nữ DTTS, các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho sự phát triển của phụ nữ DTTS, bắt đầu từ chính sách giáo dục đối với học sinh nữ đến chính sách đối với đội ngũ cán bộ nữ là người DTTS. Thời gian tới, sở sẽ nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong công tác truyền thông thay đổi về những định kiến của ĐBDTTS; huy động tối đa mọi nguồn lực thực hiện công tác bình đẳng giới để sớm đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.
THANH TRÚC