L.T.S: Vậy là năm 2019 đã khép lại, để mở ra một năm mới - năm 2020 với một chặng đường mới, những kỳ vọng mới. Báo Khánh Hòa đã ghi lại những xúc cảm, chia sẻ của đại diện một số sở, ngành, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân với những ước vọng trong ngày đầu năm mới.
L.T.S: Vậy là năm 2019 đã khép lại, để mở ra một năm mới - năm 2020 với một chặng đường mới, những kỳ vọng mới. Báo Khánh Hòa đã ghi lại những xúc cảm, chia sẻ của đại diện một số sở, ngành, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân với những ước vọng trong ngày đầu năm mới.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch: Tái cơ cấu du lịch để phát triển bền vững
Năm 2020, ngành Du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, điều ngành Du lịch hướng đến không chỉ là tăng trưởng về lượng khách, mà còn đưa du lịch phát triển bền vững. Theo đó, trong năm 2020, ngành Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thực hiện các giải pháp của Chương trình hành động số 14 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Đồng thời, ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hiện nay, Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh tái cơ cấu ngành để hướng du lịch Khánh Hòa đến sự phát triển bền vững. Theo đó, thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính: Quy hoạch lại không gian du lịch, trong đó trọng tâm là xây dựng Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thành khu nghỉ dưỡng cao cấp; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá ở các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN…, đa dạng hóa nguồn khách quốc tế; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
X.T (Ghi)
Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương: Phấn đấu tăng trưởng về công nghiệp, xuất khẩu, ổn định thị trường hàng hóa
Mục tiêu tổng quát đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2020 là bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh, trong đó phấn đấu đạt các chỉ tiêu gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 11% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,53 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp: Trảng É, Sông Cầu, Diên Thọ, Diên Phú (giai đoạn 2)… Sở tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025. Thông qua chương trình khuyến công, sở sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại, công nghệ mới, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp…, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến năm 2020 nhằm tập trung phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chương trình xúc tiến thương mại năm 2020 sẽ có nhiều hoạt động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm; mở rộng kênh phân phối và tìm hiểu thêm các thị trường mới. Mặt khác, sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nhóm mặt hàng do sở quản lý để kịp thời phát hiện hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
H.DUNG (Ghi)
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội
Năm 2020, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu tiếp tục duy trì 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống của dân cư nơi cư trú; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,88%, đưa tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm còn 2,18%. Để đạt được mục tiêu đó, ngành sẽ tập trung giải quyết tốt công tác xác nhận hồ sơ tồn đọng, chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho người có công với cách mạng; duy trì 137/137 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Đồng thời, vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, hỗ trợ xây sửa nhà cho người có công; tập trung tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo nhà bia, nghĩa trang liệt sĩ…
Ngành sẽ triển khai lồng ghép công tác giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung phát huy hiệu quả chính sách về tín dụng ưu đãi; triển khai sâu rộng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động nhằm mục đích giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, giúp họ thoát nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng…
V.G (Ghi)
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh - Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Mong muốn phụ nữ có nhiều việc làm
Năm qua, hội phụ nữ các cấp đã tổ chức nhiều phong trào nổi bật, ảnh hưởng sâu rộng và làm thay đổi đáng kể nhận thức và hành động của chị em phụ nữ như: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phong trào phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, phụ nữ tham gia xây dựng chương trình nông thôn mới, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững… Qua đó, đã giúp cho mọi tầng lớp phụ nữ có cơ hội thể hiện năng lực bản thân, vươn lên khẳng định vị thế của mình, có những đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội.
Năm 2020, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời có thêm nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhiều tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế. Bản thân mỗi chị em phụ nữ cũng cần cố gắng phấn đấu học hỏi, tiếp thu cái mới, ai cũng tìm được việc làm, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Minh Thiết (Ghi)
Đại úy Nguyễn Văn Bắc - Trợ lý Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Đặt niềm tin nhiều hơn nữa vào thế hệ trẻ
Năm 2019 qua đi với nhiều kết quả quan trọng trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương, trong đó có sự đóng góp tích cực của tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh. Đây vừa là tiền đề vừa là niềm khích lệ để chúng tôi tiếp tục phấn đấu trong năm 2020.
Năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước, quân đội và của tỉnh. Chúng tôi mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho quân đội cũng như tham gia tích cực các hoạt động chung của tỉnh. Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự quản lý, điều hành của chỉ huy các cấp, quyết tâm trau dồi bản lĩnh, đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn được lãnh đạo các cấp đặt niềm tin nhiều hơn nữa vào thế hệ trẻ để chúng tôi có điều kiện được cống hiến và trưởng thành; quan tâm hơn nữa đến hoạt động phong trào của tuổi trẻ ở các đơn vị cơ sở, tạo động lực, không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.
T.Anh (Ghi)
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Tập trung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thủy sản tỉnh là tiếp tục xây dựng và phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, đồng thời đẩy mạnh việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Theo đó, ngành sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa để ngư dân tiếp cận với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm hiện đại hóa đội tàu khai thác. Trong năm, ngành sẽ triển khai thực hiện đề án phát triển nghề khai thác viễn dương.
Đối với chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp tốt với các cơ quan chức năng tập trung nguồn lực để thực hiện Luật Thủy sản, các quy định của Trung ương, của tỉnh liên quan đến khai thác IUU; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng ngư dân về khai thác thủy sản phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường tuần tra, xử lý, ngăn chặn các tàu cá vi phạm khai thác IUU trên các vùng biển quản lý của tỉnh; lập danh sách, theo dõi, quản lý chặt chẽ các tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa, triển khai việc lặp đặt thiết bị giám sát hành trình...
HẢI LĂNG (Ghi)
Bà Lê Thị Hồng - Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Champa Island: Mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trải nghiệm
Năm 2019, Khu du lịch Champa Island là nơi được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện, chương trình lớn như: Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39; chương trình tiệc chiêu đãi khối ASEM; tổ chức thành công nhiều chương trình liên quan đến ngành dược, y tế; đón hàng ngàn lượt khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, tham quan. Đặc biệt, trong năm, Champa Island đã đạt được danh hiệu Top 10 danh hiệu, nhãn hiệu danh tiếng Việt Nam - CEO bản lĩnh hội nhập 2019 được Viện Nghiên cứu kinh tế Châu Á khảo sát và tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2020, Champa Island sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu mang lại các dịch vụ tốt nhất để khách hàng trải nghiệm. Trong đó, chú trọng phát triển khách nội địa và thu hút khách nước ngoài bằng chương trình phát triển du lịch bền vững, thông qua việc hoàn thiện làng nghề truyền thống Cham Oasis. Đây sẽ là nơi giao lưu, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc qua ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Tại đây, du khách có thể tự tay làm ra các tác phẩm qua sự hướng dẫn của các nghệ nhân đại diện cho mỗi loại hình nghề cổ truyền. Hiện nay, khu làng nghề đang duy trì 5 nghề truyền thống là làm nón lá Diên Khánh, làm gốm Chăm Bàu Trúc - Ninh Thuận, làm tranh thêu tay nghệ thuật, dệt thổ cẩm Chăm và nghề đan cói. Với khách quốc tế, chúng tôi tập trung khai thác thị trường khách có đường bay thẳng tới Nha Trang như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…
MẠNH HÙNG (Ghi)
Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang: Kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng
Thời gian qua, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã đóng góp một phần vào ngân sách địa phương, tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động. Trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt với các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, dệt may được đánh giá là lĩnh vực có thế mạnh. Để phát triển bền vững, công ty đã gia tăng chuỗi cung ứng khép kín từ sợi, dệt, nhuộm, may và mở rộng năng lực sản xuất sợi chỉ may, vải denim và dệt kim; tiếp tục áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để rút ngắn quy trình, giảm chi phí lao động và tiêu hao nguyên vật liệu…
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại hiện nay, tôi thấy thông tin rất nhanh và gần như phủ sóng trên toàn thế giới. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, họ đều biết về sự tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng của Nha Trang - Khánh Hòa. Đây chính là một lợi thế, tạo sức hút để các đối tác muốn gắn kết làm ăn lâu dài với chúng ta. Bước sang năm mới, chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh sẽ có giải pháp đột phá để duy trì tốc độ tăng trưởng, tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp.
NHẬT THANH (Ghi)
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân - giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Bí thư Đoàn trường Đại học Nha Trang: Cần có một trung tâm khởi nghiệp
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, trong cơ chế chung, nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về tài chính vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Chính vì vậy, tôi cũng như nhiều nhà khoa học khác mong muốn tỉnh có thể đơn giản hóa các thủ tục tài chính, xem xét thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để nhà khoa học hoàn toàn tập trung vào nghiên cứu.
Cùng với đó, để các ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu khoa học có thể triển khai ứng dụng vào thực tế, theo tôi, việc tạo ra một môi trường sinh thái nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Tỉnh cần có một trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, với sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp để tạo môi trường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ.
KHÁNH HÀ (Ghi)
Ông Nguyễn Văn Hoành - Tổ trưởng Tổ liên kết trồng xoài an toàn Cam Hiệp Nam, Cam Lâm: Mở rộng vùng sản xuất xoài theo hướng an toàn
Gắn bó lâu năm với cây xoài, chúng tôi rất vui mừng vì trong năm qua cây trồng này đã được đưa vào quy trình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đã có 3,6ha xoài của tổ liên kết với sản lượng khoảng 20 tấn mỗi năm được trồng, chăm sóc đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trên mỗi trái xoài đều có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. Đây là những bước đi đầu tiên của chúng tôi trên con đường xây dựng thương hiệu sản phẩm với cam kết đưa ra thị trường trái xoài an toàn, sạch, truy xuất được nguồn gốc, đủ điều kiện để vào các siêu thị, xuất khẩu chính ngạch, theo đúng mục tiêu nhiệm vụ mà chuỗi giá trị đặt ra.
Tuy nhiên, trên địa bàn xã Cam Hiệp Nam nói riêng và huyện Cam Lâm nói chung, một số hộ trồng xoài vẫn sản xuất theo kinh nghiệm, đặt nặng năng suất, lợi nhuận trước mắt, chưa coi trọng chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Vì thế, trong năm 2020, chúng tôi tập trung kết nạp thêm thành viên, từ đó mở rộng vùng sản xuất xoài theo hướng an toàn. Để thực hiện điều này, bên cạnh sự đoàn kết, nỗ lực của mỗi thành viên trong tổ, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Đặc biệt là hỗ trợ chúng tôi tìm kiếm, kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả phù hợp; quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến xoài.
H.Đ (Ghi)