Từ ngày 1-1-2020, các điều kiện thi lấy bằng thuyền trưởng đường thủy nội địa sẽ được nới lỏng hơn. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ bằng tàu cá sang phương tiện thủy cũng có nhiều điểm mới. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết:
Từ ngày 1-1-2020, các điều kiện thi lấy bằng thuyền trưởng đường thủy nội địa sẽ được nới lỏng hơn. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ bằng tàu cá sang phương tiện thủy cũng có nhiều điểm mới. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết:
- Theo quy định tại Thông tư số 40-2019 vừa được Bộ GTVT ban hành, việc thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, điều kiện dự thi lấy bằng thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa có nhiều điểm mới.
Cụ thể, từ năm 2020, điều kiện để thi lấy bằng thuyền trưởng hạng tư là từ đủ 18 tuổi, có chứng chỉ thủy thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện. So với hiện nay, không còn điều kiện phụ là có thời gian nghiệp vụ đủ 18 tháng trở lên. Điều kiện dự thi lấy thuyền trưởng hạng ba là người đủ 18 tuổi trở lên, có chứng chỉ thủy thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện, có thời gian đảm nhiệm chức danh từ đủ 12 tháng hoặc có bằng thuyền trưởng hạng tư, có thời gian đảm nhiệm chức danh thủy thủ hoặc người lái phương tiện từ đủ 6 tháng trở lên. So với hiện nay, yêu cầu về thời gian đảm nhiệm chức danh theo chứng chỉ từ 18 tháng xuống còn 12 tháng, theo chức danh bằng thuyền trưởng từ 12 tháng xuống còn 6 tháng.
Đối với người muốn có bằng thuyền trưởng hạng nhì, điều kiện là phải có bằng thuyền trưởng hạng ba, có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng ba từ đủ 18 tháng trở lên hoặc có chứng chỉ sơ cấp nghề thuyền trưởng hạng ba, có thời gian tập sự đủ 12 tháng trở lên. Đối với điều kiện thi lấy bằng thuyền trưởng hạng nhất, cần có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có bằng thuyền trưởng hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng nhì đủ 24 tháng trở lên. So với hiện nay, quy định mới giảm thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng nhì từ 30 tháng xuống còn 24 tháng.
- Việc chuyển đổi bằng tàu cá sang phương tiện thủy có gì mới, thưa ông?
- Cũng từ năm 2020, theo Thông tư 40 thì bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá được phép chuyển đổi sang bằng phương tiện thủy nội địa hạng tương ứng. Tuy nhiên, để đổi bằng cần có thời gian nhất định làm nghề và hoàn thành chương trình bồi dưỡng, thi đạt yêu cầu theo chương trình bồi dưỡng nghề đường thủy.
Cụ thể, người có văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng nhất, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng nhất đủ 18 tháng trở lên được đổi sang nghề thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy hạng nhì. Tuy nhiên, điều kiện để đổi là phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghề tương ứng với thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì và thi đạt yêu cầu.
Người có bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thực tế theo hạng bằng từ đủ 18 tháng trở lên, sau khi học, thi đạt yêu cầu bồi dưỡng các môn tương ứng thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì được đổi sang bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy hạng ba. Tương tự, cũng với các điều kiện trên, người có bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng ba được đổi sang bằng thuyền trưởng phương tiện thủy hạng tư, máy trưởng hạng ba.
Đối với thủy thủ, thợ máy tàu cá, sau khi học bồi dưỡng chương trình đào tạo nghề tương ứng và đạt yêu cầu kiểm tra được đổi sang chứng chỉ tương đương của lĩnh vực đường thủy để làm việc trên phương tiện thủy.
- Các quy định này khi áp dụng tại địa phương có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.100 phương tiện thủy nội địa. Hiện nay, sở đã cấp khoảng 2.000 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba và hạng tư. Đối với hạng nhất và hạng nhì do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Việc áp dụng các quy định trong Thông tư 40 mang lại nhiều tiện ích cho học viên. Trước đây, hạng ba và hạng tư đều có những điều kiện phụ và thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng tương đối dài khiến học viên gặp khó khăn. Trong khi đó, những đối tượng này do đặc thù công việc phải thường xuyên đi biển dài ngày, nên để đáp ứng các điều kiện như trước đây là hết sức khó khăn. Điều này đã dẫn tới một số trường hợp bằng cấp không phù hợp với phương tiện điều khiển.
- Xin cảm ơn ông!
THÀNH NAM (Thực hiện)