Thời gian gần đây, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ninh Tây và người thân từ các tỉnh miền núi phía bắc đã vào lấn chiếm, phát rừng ở khu vực Bến Lễ (thôn Sông Búng, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để canh tác, có dấu hiệu cư trú trái phép.
Thời gian gần đây, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ninh Tây và người thân từ các tỉnh miền núi phía bắc đã vào lấn chiếm, phát rừng ở khu vực Bến Lễ (thôn Sông Búng, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để canh tác, có dấu hiệu cư trú trái phép. Trước tình trạng này, địa phương đã ngăn chặn, vận động người dân ra khỏi rừng.
Đường vào Bến Lễ mùa này mưa nhiều, lầy lội khó đi, vậy mà hàng ngày vẫn có người vào ra. Ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho hay, những người từ Bến Lễ vẫn ra vào hàng ngày để mang nông sản, sản vật từ rừng ra bán cho các hàng quán ngay cửa rừng rồi lại mua lương thực, thực phẩm trở vào rừng. Qua rà soát, kiểm tra của UBND xã Ninh Tây mới đây, ở khu vực này có một số lán trại có dấu hiệu định cư, canh tác nên xã đã tiến hành vận động người dân trở ra.
Khu vực Bến Lễ một phần được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn và một phần được quy hoạch rừng sản xuất. Tại đây, địa hình khá bằng phẳng, đất đai phì nhiêu. Chính vì vậy, nhiều lần các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều hộ người Dao, người Nùng từ các tỉnh biên giới phía bắc di cư vào dựng lán trại, lấn chiếm đất rừng để canh tác. Cách đây 2 năm, có khoảng 20 hộ di cư tự do đến Bến Lễ, rất may UBND xã Ninh Tây đã phát hiện kịp thời, vận động người dân về lại nơi cư trú. Hiện nay tình trạng này lại tái diễn.
Tại lô 3, khoảnh 7, tiểu khu 73, khi chúng tôi đến, trong 2 lán trại được dựng lên từ cây rừng, lá tranh, phủ bạt, từ xa đã nghe tiếng trẻ con nô đùa. Đến nơi mới thấy, trong 2 lán trại này có cả người già, trẻ nhỏ. Vào trại hỏi chuyện, ông Tráng Văn Min, người dân tộc Dao (ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), cho biết: “Ở ngoài quê điều kiện khó khăn, đất đai thiếu thốn nên năm 2018 cả gia đình tôi vào Ninh Tây tạm trú. Trước đây, chúng tôi thuê nhà ở, ai thuê gì làm nấy, hiện nay chủ nhà không cho thuê nữa, không có chỗ ở tôi đành đưa vợ và 4 con nhỏ lên Bến Lễ phát dọn cây cối để trỉa bắp, nuôi gà tìm kế sinh nhai”. Quan sát mấy đứa con ông Tráng Văn Min, đứa lớn chỉ mới 7 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Hỏi thăm chuyện học hành của các cháu, bà Bàn Thị Niệm (dân tộc Nùng), vợ ông Tráng Văn Min cho hay: “Chỗ ở không có, cái ăn thì phải lo từng ngày, làm sao lo nổi chuyện học hành của chúng nó”.
Cạnh đó là lán trại của gia đình bà Đặng Thị Miền - người dân tộc Dao, mẹ vợ của Tráng Văn Min. Theo lời bà Miền, trước đây gia đình bà cũng ở Hà Giang, có người thân vào định cư ở xã Ninh Tây, cuộc sống ít vất vả nên gia đình bà theo vào, trước tạm trú, sau được UBND xã Ninh Tây tạo điều kiện cho thường trú ở thôn Xóm Mới nhưng ở đó chỉ có nhà chứ đất đai không có nên gia đình bà mới vào Bến Lễ phát dọn rừng để lấy đất canh tác. Tại đây, bà đã trồng bắp, nuôi gà. Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy một diện tích chừng 5.000m2 đã được trồng bắp, cao chừng 50cm.
Không chỉ 2 lán trại này, ở tiểu khu 73 còn có 1 lán trại tạm bợ không có người, xung quanh trại đã được trồng bắp, đậu xanh và lúa, ước diện tích chừng 1.500m2 (thuộc quy hoạch rừng sản xuất). Hỏi thăm người đi rừng mới hay, chủ lán trại này cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía bắc tên là Lý Văn Đanh. Cách đó không xa, tại lô 5, khoảnh 2, tiểu khu 76 còn có lán trại của gia đình ông Cao Tuyến - người Raglai (thôn Sông Búng, xã Ninh Tây) cũng vào lấn chiếm chừng 4.000m2 đất rừng sản xuất để trồng bắp và lúa, nuôi heo.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thị xã Ninh Hòa, chúng tôi đang phối hợp với UBND xã Ninh Tây và các cơ quan của thị xã tổ chức kiểm tra, tuyên truyền vận động người dân về nơi ở cũ, không định cư, phá rừng làm rẫy ở khu vực Bến Lễ. Các hộ cam kết sẽ di dời ra khỏi rừng. Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra khu vực này, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, đẩy đuổi đối tượng vi phạm ra khỏi rừng. Đồng thời, báo cáo cụ thể tình hình lên UBND thị xã Ninh Hòa để xem xét giải quyết”.
Điều chính quyền địa phương lo lắng là hiện nay, có dấu hiệu các hộ tìm đến Bến Lễ để sinh sống lâu dài, trong đó có cả người già và trẻ em, nếu không xử lý triệt để thì có khả năng sẽ có nhiều hộ kéo nhau vào khu vực này để lấn chiếm đất rừng trái phép. “Qua tuyên truyền, vận động, đến ngày 8-11, 6 người trong gia đình Tráng Văn Min đã chấp hành rời khỏi khu vực Bến Lễ. Do họ không có chỗ ở, không có đất sản xuất, không có lương thực, thực phẩm nên UBND xã Ninh Tây đang bố trí ở tạm tại nhà của Đội Thanh niên tình nguyện trước đây; cộng đồng dân cư ủng hộ lương thực, thực phẩm cho gia đình này vượt qua khó khăn trước mắt, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Đối với các hộ đã có nhà ở tại xã Ninh Tây nhưng không có đất sản xuất, địa phương kiến nghị cấp trên xem xét, chỉ đạo giải quyết”, ông Tịnh cho biết.
HẢI LĂNG