Những năm gần đây, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở huyện Khánh Vĩnh có sự phát triển đáng kể, thu hút đông đảo quần chúng, trong đó có đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn miền núi.
Những năm gần đây, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ở huyện Khánh Vĩnh có sự phát triển đáng kể, thu hút đông đảo quần chúng, trong đó có đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn miền núi.
Khánh Vĩnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 73,6% dân số), đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (43,98%). Tuy nhiên, hiện nay, huyện đã xây dựng được 14 hội đồng bảo vệ ANTT với 148 thành viên, 96 tổ an ninh nhân dân với 227 thành viên, 30 tổ quần chúng cốt cán với 167 thành viên, 40 tổ hòa giải với 226 thành viên, 20 tổ thanh niên xung kích với 140 thành viên. Toàn huyện có 5 mô hình tự quản về ANTT.
10 tháng năm 2019, các lực lượng làm công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của huyện đã phối hợp thực hiện 25 buổi tuyên truyền cho hơn 2.000 người tại các khu dân cư và cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Qua tiếp nhận 22 tin báo và tố giác tội phạm của quần chúng, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 9 vụ phạm pháp hình sự; 10 vụ vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép; 4 vụ đánh bạc. Các mô hình tự quản về ANTT đã tham gia hòa giải thành công 5 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân; phối hợp quản lý và giáo dục tiến bộ 2 đối tượng có tiền án; tham gia phối hợp tuần tra hơn 100 lượt. Các lực lượng của huyện còn tích cực vận động hòa giải vụ tranh chấp khiếu kiện đất đai của 113 hộ với 2 lâm trường trên địa bàn…
Theo Đại tá Lê Quang Thanh - Trưởng Công an huyện, để có được những kết quả trên, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được cấp ủy, chính quyền huyện cũng như các xã và thị trấn rất quan tâm. Ngay từ đầu năm, Huyện ủy, UBND huyện đều ra nghị quyết, kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào. Trên cơ sở đó, Công an huyện cử các cán bộ chuyên trách công tác xây dựng phong trào trực tiếp hướng dẫn cho các xã, thị trấn triển khai, đăng ký các nội dung, nhiệm vụ. Những nội dung trọng tâm được đưa vào thực hiện như: Xây dựng khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT; xây dựng mô hình mới trong phong trào; phát động nhân dân thực hiện Kế hoạch 747 của Giám đốc Công an tỉnh về phòng, chống tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp; ký kết, thực hiện các chương trình phối hợp với MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và lực lượng quân đội trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương. Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 20 của Tỉnh ủy về “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi” và Chỉ thị số 09 của Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo”. Để phong trào thực sự đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp nên thu hút được đông đảo quần chúng tích cực hưởng ứng.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT ở Khánh Vĩnh cũng phát huy hiệu quả. Tháng 11-2014, huyện ra mắt mô hình đầu tiên: Đội tuần tra nhân dân xã Khánh Bình; từ đó đều đặn hàng năm, huyện đều ra mắt một mô hình mới. Đến nay, Khánh Vĩnh đã có 5 mô hình tự quản về ANTT và đều được đánh giá là có hiệu quả. Trong đó, Đội tự quản về ANTT xã Khánh Thành (thành lập tháng 1-2015) là mô hình gồm 12 thanh niên người dân tộc Raglai, hoạt động tích cực, không chỉ giữ bình yên thôn bản mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên núi rừng, nhiều lần được báo cáo điển hình. Các xã: Khánh Thành, Khánh Bình, Sông Cầu, Giang Ly được đánh giá là những xã có phong trào tốt, nhiều lần được các cấp khen thưởng. Tháng 5-2019, Công an huyện Khánh Vĩnh còn tổ chức ký kết quy chế phối hợp đảm bảo ANTT vùng giáp ranh với huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).
Theo Đại tá Lê Quang Thanh, địa phương luôn xác định việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp đẩy mạnh xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ; nhân rộng các gương điển hình, mô hình tiên tiến. Thông qua đó, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; giúp đỡ, quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, gắn với thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực ANTT.
M.H