Trong khi nguồn lực theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh còn hạn chế, thì nhiều quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lại chồng chéo, khiến công tác này càng gặp khó khăn.
Trong khi nguồn lực theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh còn hạn chế, thì nhiều quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lại chồng chéo, khiến công tác này càng gặp khó khăn.
Chưa hợp lý
Đối với lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở y tế khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, Luật BHXH năm 2014 quy định chi tiết số ngày nghỉ tối đa tương ứng với số tuần tuổi thai. Nhưng trên thực tế, rất khó xác định tuần tuổi thai đối với trường hợp thai ngoài tử cung (phá thai bệnh lý). Vì vậy, một số cơ sở y tế không ghi tuần tuổi thai, dẫn đến khó giải quyết chế độ thai sản.
Về mức lương tối thiểu vùng, Nghị định 157/2018 của Chính phủ quy định, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc giản đơn nhất; doanh nghiệp phải trả cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề. Nhưng hiện nay, chưa có văn bản quy định danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo, dẫn đến tình trạng mỗi doanh nghiệp hiểu một cách và trả bằng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Đối với thủ tục buộc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh, Thông tư (TT) liên tịch số 03/2008 quy định căn cứ Luật BHXH năm 2006 và Nghị định số 135/2007 của Chính phủ. Tuy nhiên, cả hai văn bản trên đã hết hiệu lực, nhưng chưa có văn bản thay thế TT 03, dẫn tới khó khăn khi cưỡng chế.
Về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, Phụ lục II TT số 39/2017 của Bộ Y tế nêu rõ 23 nhóm thuốc với 241 thuốc, nhưng TT số 30/2018 lại không quy định nhóm thuốc hạ lipid, hạ đường huyết thuộc nhóm insulin, lao, sốt rét và thuốc chống vi rút như trong TT 39, dẫn tới khó khăn khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế.
Chưa khả thi, chậm hướng dẫn
Một số quy định khác cũng chưa khả thi. Thực tế 3 năm qua, tổ chức công đoàn chưa đề nghị tòa án thụ lý hồ sơ về nợ BHXH do các cơ quan BHXH tỉnh chuyển sang. Đó là vì, tuy pháp luật quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, nhưng trước khi khởi kiện, tổ chức này phải lấy được đầy đủ chữ ký của những người lao động ủy quyền. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp sử dụng từ vài trăm đến hàng ngàn lao động. Giả sử tranh chấp về BHXH xảy ra tại những doanh nghiệp này, tổ chức công đoàn rất khó lấy chữ ký của từng lao động để đại diện khởi kiện.
Đặc biệt, TT số 39/2018 cứng nhắc ấn định số lượt khám, bàn khám; định mức siêu âm, X-quang, CT Scanner; tính định mức... Ví dụ, với các bàn khám khám trên 65 lượt khám/ngày, cơ quan BHXH chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa 1 quý, cơ sở y tế vẫn còn có bàn khám khám trên 65 lượt/ngày thì cơ quan BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trên thực tế, cơ sở y tế không thể từ chối khám, chữa bệnh từ lượt thứ 66/ngày. TT 39 cũng quy định máy móc khi áp định mức tính giá (số ca/máy/ngày làm việc 8 giờ) của dịch vụ siêu âm; chụp X-quang thường, X-quang số hóa, CT Scanner, cộng hưởng từ (MRI)...
Trong khi đó, Trung ương lại chậm hướng dẫn, tháo gỡ cho địa phương. Thực tế điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền là ví dụ. TT số 01 của Bộ Y tế đã có hiệu lực từ ngày 15-4-2019. TT số 18/2016 cũng đã quy định Danh mục kỹ thuật, vật tư y tế dùng trong phục hồi chức năng và việc chi trả chi phí phục hồi chức năng ban ngày thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Nhưng việc thanh toán BHYT trong trường hợp trên vẫn chưa thực hiện được vì vướng văn bản của BHXH Việt Nam. Các cơ quan của tỉnh kiến nghị đã lâu nhưng đến nay Bộ Y tế chưa phản hồi...
Vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành kiểm tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, nhiều cơ quan trong tỉnh đã kiến nghị Trung ương hướng dẫn rõ danh mục nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo nghề; ban hành văn bản thay thế để cưỡng chế trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi; hướng dẫn xử lý khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, bỏ trốn…; tháo gỡ vướng mắc khi tổ chức công đoàn khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN; sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp với thực tế... Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) thừa nhận, nhiều kiến nghị của tỉnh tương tự phản ánh của một số tỉnh, thành phố, cục sẽ sớm tổng hợp kiến nghị để đề xuất.
N.VŨ