10:07, 02/07/2019

Giao khoán bảo vệ rừng cho hộ dân

Năm 2019, toàn tỉnh sẽ có hơn 1.970ha rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định 75. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số băn khoăn nhất định.

Năm 2019, toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ có hơn 1.970ha rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) theo Nghị định 75. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số băn khoăn nhất định.


Nhiều diện tích đã được giao khoán


Thực hiện Nghị định 75 năm 2015 của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, nhất là ĐBDTTS thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, trên cơ sở đăng ký của các hộ dân, từ đầu tháng 4 năm nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đã tiến hành giao khoán 240ha rừng tự nhiên tại xã Khánh Phú cho 8 hộ ĐBDTTS địa phương bảo vệ; mỗi hộ nhận khoán bảo vệ 30ha. Sau khi nhận khoán, các hộ đã cắt cử người thường xuyên tuần tra ở khu vực rừng nhận khoán. Bà Trương Thị Kim Thoa - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đều là hộ ĐBDTTS nghèo, kinh phí các hộ nhận được là 400.000 đồng/ha/năm, tính ra 1 năm mỗi hộ có thêm 12 triệu đồng từ việc nhận khoán bảo vệ rừng. Chính sách này đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

 

Rừng căm xe sẽ được giao khoán cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Ninh Tây bảo vệ.

Rừng căm xe sẽ được giao khoán cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Ninh Tây bảo vệ.


Tương tự, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn cũng đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 cho 51 hộ ĐBDTTS tại các xã: Sơn Hiệp, Thành Sơn và Ba Cụm Bắc, với tổng diện tích gần 1.269ha rừng tự nhiên. Cụ thể, xã Sơn Hiệp có 20 hộ nhận khoán bảo vệ gần 519ha rừng tại tiểu khu 270; xã Thành Sơn có 20 hộ nhận khoán bảo vệ hơn 582ha rừng tại các tiểu khu: 258, 259, 260; xã Ba Cụm Bắc có 11 hộ nhận khoán bảo vệ 167,8ha rừng tại các tiểu khu: 279, 280. Các hộ nhận khoán đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng tại các khu vực được giao khoán.


Năm 2019, toàn tỉnh có 1.971,13ha rừng tự nhiên được giao khoán cho các hộ ĐBDTTS để bảo vệ rừng theo quy định của Nghị định 75; tổng kinh phí thực hiện gần 930 triệu đồng. Ngoài Công ty Lâm sản Khánh Hòa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, còn có Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa giao khoán 424,25ha rừng căm xe Ninh Tây cho các hộ ĐBDTTS tại địa phương bảo vệ và 38ha rừng tự nhiên do UBND huyện Khánh Sơn giao khoán bảo vệ cho các hộ dân. Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn, Công ty Lâm sản Khánh Hòa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng để triển khai thực hiện. Riêng hồ sơ giao khoán của UBND huyện Khánh Sơn đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

Vẫn còn băn khoăn


Theo ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, chính sách giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 được kỳ vọng giảm nghèo đối với các hộ ĐBDTTS tại các địa bàn miền núi, khó khăn. Công ty đã làm việc với các địa phương để nắm bắt danh sách các hộ đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ có 8 hộ ở xã Khánh Phú chịu nhận khoán, nhiều khu vực khác rất ít hộ nhận, do diện tích tối đa 1 hộ được nhận khoán chỉ 30ha, với đơn giá 400.000 đồng/ha/năm, mỗi tháng họ chỉ nhận được 1 triệu đồng khi bảo vệ 30ha rừng, như vậy là thấp nên họ không nhận.


Trong khi đó, ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, trong lâm phận của ban có khoảng 39.700ha rừng tự nhiên. Tại Vạn Ninh, chúng tôi đã giao khoán 2.600ha rừng cho lực lượng vũ trang bảo vệ hiệu quả rất tốt. Thực hiện Nghị định 75, chúng tôi đang triển khai giao khoán gần 425ha rừng tự nhiên căm xe tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) cho các hộ ĐBDTTS địa phương bảo vệ. Điều chúng tôi lo lắng là hiệu quả bảo vệ rừng như thế nào; chưa có chế tài đối với các hộ nhận khoán khi để mất rừng. Chính vì vậy, cùng với việc bảo vệ của hộ nhận khoán, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của ban cũng sẽ tham gia cùng với hộ dân để giữ rừng tốt hơn”. 

   
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, so với các quy định trước, kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 cao gấp đôi. Để người dân biết, tham gia nhận khoán, các địa phương cần tuyên truyền để người dân nhận thấy chính sách ưu đãi của Nghị định 75. Muốn nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, các chủ rừng giao khoán cần thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng của hộ dân để có những chấn chỉnh kịp thời.


HẢI LĂNG