Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn đã từng bước đổi thay. Đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Raglai ngày càng được nâng lên.
Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã từng bước đổi thay. Đời sống của cộng đồng các DTTS, nhất là đồng bào Raglai ngày càng được nâng lên.
Chính sách phát huy tác dụng
Gia đình ông Cao Hoàng Giáo (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) được đánh giá là một trong những hộ người DTTS sản xuất giỏi. Với 2ha trồng bưởi da xanh và quýt đường, 3ha cà phê, cùng các diện tích trồng bắp đã mang lại nguồn thu ổn định hơn 200 triệu đồng/năm cho gia đình ông. Có được thành quả đó, ngoài bỏ công sức, vay vốn đầu tư, vợ chồng ông còn tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quan tâm tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Cuối năm 2017, khi Hợp tác xã Cây ăn quả Sơn Bình ra đời, ông Giáo đã tham gia hợp tác xã. Nhờ đó, ông càng được mở mang kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp. Bên cạnh đó, đầu ra của nông sản được đảm bảo, không còn lo bị ép giá.
Gia đình ông Bo Bo Khá (tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp) cũng là điển hình sản xuất giỏi. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhờ chăm chỉ làm ăn và chịu khó học hỏi nên đến nay, ông đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi khá ổn định. Từ việc nuôi bò, trồng sầu riêng, mía tím, cà phê và một số cây ăn quả khác, mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng. Có điều kiện, ông còn giúp đỡ nhiều hộ khác trong tổ dân phố vươn lên thoát nghèo.
Ở huyện Khánh Sơn còn nhiều trường hợp nông dân sản xuất giỏi như: Cao Thị An (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc), Cao Văn Ngực (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc), Cao Hồ Vân (thôn Apa 2, xã Thành Sơn), Cao Mai Hùng (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp), Bo Bo Thi (thôn Suối Me, xã Ba Cụm Nam)… Sự xuất hiện ngày càng nhiều điển hình sản xuất giỏi một phần nhờ những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối với vùng DTTS trên địa bàn huyện. 5 năm qua, đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư để thực hiện các chương trình, chính sách như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chính sách dân tộc...
Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu từ điện, đường, trường, trạm ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, mạng lưới thông tin văn hóa thể thao phát triển. “Tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Các chính sách đầu tư đã có tác động lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, phát huy được sự sáng tạo của người dân và toàn xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của huyện. Đời sống đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên”, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn đánh giá.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo
Đến năm 2024, huyện Khánh Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS hàng năm từ 3 đến 4% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Có 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông. Các xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%; sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%; 100% người trong độ tuổi lao động vùng DTTS được tập huấn công tác dân tộc, kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề... |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình, chính sách DTTS vẫn cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư. Trước hết, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào DTTS còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc giảm nghèo chưa bền vững. Các chương trình, chính sách đưa ra còn dàn trải, chưa đồng bộ, mục tiêu đề ra lớn nhưng thời gian thực hiện ngắn nên kết quả chưa cao. Việc bố trí vốn, kinh phí đối với một số chính sách, chương trình chưa kịp thời, khó lồng ghép thực hiện các chương trình, chính sách với nhau. Một bộ phận người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa có ý chí vươn lên vượt khó, chưa chủ động tổ chức sản xuất...
Ông Phan Văn Sửu cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị; phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về công tác dân tộc; chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách các cấp đối với vùng dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng thôn, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách.
GIANG ĐÌNH