Nhờ thực hiện nhiều biện pháp tự chủ về biên chế và kinh phí quản lý hành chính, năm 2018, huyện Khánh Vĩnh đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng, qua đó có điều kiện bổ sung thu nhập tăng thêm cho người lao động.
Nhờ thực hiện nhiều biện pháp tự chủ về biên chế và kinh phí quản lý hành chính, năm 2018, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng, qua đó có điều kiện bổ sung thu nhập tăng thêm cho người lao động.
Nhiều biện pháp tiết kiệm
Ông Phạm Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho biết, từ năm 2016 đến nay, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, công chức (CB-CC) về tiết kiệm chi và thực hành tiết kiệm bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, hạn chế dùng văn bản giấy, chủ động cắt giảm các cuộc họp chưa thật cần thiết và lồng ghép nhiều nội dung vào một hội nghị… Các bộ phận chủ động điều chỉnh nhằm tiết kiệm kinh phí quản lý hành chính (điện nước, văn phòng phẩm, điện thoại, trang thiết bị văn phòng…). Đơn cử, khi tổ chức họp, thay vì chi nước uống 10.000 đồng/người, xã chuyển sang dùng chung bình nước lớn. Việc sử dụng điện thoại công được khoán theo đối tượng/tháng, căn cứ theo quy chế chi tiêu nội bộ. Các nội dung tài chính đều được công khai tại cuộc họp cơ quan hàng năm. Nhờ đó, 2 năm gần đây, CB-CC đều được nhận khoản thu nhập tăng thêm. Riêng năm 2018, xã đã tiết kiệm được hơn 326 triệu đồng, qua đó chi thu nhập tăng thêm 210 triệu đồng, trung bình mỗi người được 7 triệu đồng. Hiệu quả công việc không hề bị ảnh hưởng; chỉ số hài lòng năm 2018 của xã đạt 96,98%, tăng 11,29% so với năm 2017.
Ở xã Khánh Bình, việc mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản… cũng đều được công khai trong các cuộc họp cơ quan. Quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm luôn được bổ sung trên cơ sở góp ý của CB-CC. Việc tổ chức họp cũng được quy định cụ thể. Khoản chi văn phòng phẩm, xăng xe… được khoán cho từng CB-CC dựa trên khối lượng công việc từng người và đề xuất thực tế. Từ năm 2017, xã còn hợp đồng bảo trì thiết bị hàng tháng. Nhờ đó, các thiết bị ít bị hỏng vặt, giảm đáng kể chi phí sửa chữa. Năm 2018, tiết kiệm chi của toàn xã đạt gần 330 triệu đồng, tăng khoảng 3 lần so với năm 2017.
Xã Cầu Bà còn tiết kiệm chi cao hơn, đạt gần 614 triệu đồng; trung bình mỗi CB-CC được bổ sung thu nhập hơn 10,7 triệu đồng/năm. Bà Huỳnh Lê Nhật Uyên - kế toán UBND xã cho biết, bên cạnh tiết kiệm văn phòng phẩm, điện, nước, hội họp…, xã còn chú trọng sử dụng hợp lý biên chế. Một số vị trí được bố trí kiêm nhiệm căn cứ vào thực tế công việc. Một số định mức cũng được xã khoán lại thấp hơn mức được giao, trên cơ sở đề xuất của CB-CC và được thông qua tại hội nghị CB-CC, đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ.
Hiệu quả
Ông Đoàn Lý Hoài Vũ - công chức phụ trách lĩnh vực địa chính, nông nghiệp xã Khánh Đông chia sẻ: “Từ khi tôi vào làm (năm 2016) đến nay, năm nào cũng được nhận khoản thu nhập tăng thêm từ nguồn tiết kiệm chi. Đây là nguồn động viên thiết thực để tôi rèn ý thức tiết kiệm, nỗ lực cải cách hành chính, thực hiện công việc hiệu quả với chi phí thấp hơn”. Nhiều lãnh đạo xã cũng thừa nhận, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng, tăng cường sự giám sát của CB-CC trong sử dụng biên chế, kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời góp phần giảm thủ tục hành chính rườm rà, triển khai công việc nhanh chóng, chủ động hơn.
Năm 2018, tất cả 13 cơ quan chuyên môn, 14 UBND cấp xã và 50 đơn vị sự nghiệp thuộc huyện Khánh Vĩnh đều được giao tự chủ. Qua đó, toàn huyện tiết kiệm được gần 6,5 tỷ đồng. Trong đó, UBND cấp xã tiết kiệm hơn 4,57 tỷ đồng; các cơ quan chuyên môn tiết kiệm hơn 1,4 tỷ đồng; 8/50 đơn vị sự nghiệp tiết kiệm gần 590 triệu đồng, số còn lại chủ yếu thuộc khối giáo dục không có thu nhập tăng thêm.
Bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Nội vụ huyện nhìn nhận, khi được giao quyền tự chủ, hầu hết đơn vị đã có các giải pháp sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động, nguồn lực tài chính hợp lý hơn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng thu nhập cho người lao động. Cơ chế tự chủ cũng tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động.
NGUYỄN VŨ
Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Khánh Vĩnh không phải địa phương có kinh phí tiết kiệm cao nhất tỉnh trong năm 2018. Nhưng với địa bàn miền núi, ngân sách đảm bảo tự chủ còn thấp, đa số đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu... thì số kinh phí tiết kiệm của toàn huyện cho thấy bước chuyển quan trọng trong tổ chức, sắp xếp bộ máy, biên chế, nguồn lực tài chính, góp phần phát huy khả năng của các đơn vị để cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt, đồng thời từng bước tăng thu nhập cho người lao động.