Kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh của cơ quan chuyên môn cho thấy, các hồ hiện nay vẫn đảm bảo tốt công năng sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có những hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu không được đầu tư, sửa chữa kịp thời.
Kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của cơ quan chuyên môn cho thấy, các hồ hiện nay vẫn đảm bảo tốt công năng sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có những hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu không được đầu tư, sửa chữa kịp thời.
2 hồ cần sửa gấp
Hồ chứa nước Đá Bàn thuộc xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa là hồ có sức chứa lớn nhất tỉnh với khả năng chứa được 75 triệu m3 nước. Tuy nhiên, sau hơn 33 năm sử dụng, một số hạng mục của hồ đã xuống cấp. Đặc biệt, cống lấy nước đang xuất hiện rò rỉ nước qua cửa van. Lưu lượng rò rỉ khá lớn, khoảng 1,38m3/s ở cao trình 48,4m. Điều này, theo cơ quan chuyên môn, không chỉ gây thất thoát, lãng phí nước mà quan trọng hơn là không đảm bảo an toàn cho công trình trong điều tiết nước.
Trong khi đó, hồ chứa nước Cam Ranh (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) sau ngót 20 năm đưa vào sử dụng, một vấn đề đã được nhắc đến nhiều đó là hệ thống tràn xả lũ không còn đảm bảo trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay. Đặc biệt, những năm gần đây, khi thời tiết mưa lớn bất thường xảy ra ngày một nhiều hơn, lượng nước đổ về hồ trong khoảng thời gian ngắn rất lớn. Trong khi đó, hệ thống tràn xả lũ (van xả) của hồ có khẩu độ nhỏ, theo cơ quan chuyên môn là không đủ đáp ứng lưu lượng xả cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ. Đây là 1 trong 5 hồ chứa nước lớn nhất tỉnh, có dung tích hơn 22 triệu m3 và cao trình khoảng 30m, đang cung cấp nước tưới cho hơn 20.000ha sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho hơn 70.000 dân. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình cũng như phục vụ tốt công năng của hồ, cơ quan chuyên môn đang đề xuất mở rộng tràn hoặc đầu tư bố trí thêm tràn sự cố.
Để giải quyết vấn đề trên, trong điều kiện ngân sách tỉnh có hạn, ngày 10-6-2019, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh 180 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cấp bách 2 hồ chứa nói trên.
Hoàn thiện hồ sơ sửa chữa 8 hồ chứa
Khánh Hòa hiện có 28 đập, hồ thủy lợi; 3 đập, hồ thủy điện. Trong đó, có 16 công trình hồ thủy lợi được xếp vào diện đập, hồ chứa nước lớn. Hàng năm, cứ trước mùa mưa lũ, các cơ quan, đơn vị chuyên môn đều tiến hành đợt kiểm tra tổng thể các hồ chứa nước này nhằm xác định mức độ đảm bảo an toàn công trình cũng như các phương án ứng phó khi có tình huống khẩn cấp. |
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hàng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí khoảng 15 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn công trình và phục vụ tốt nhu cầu cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Trung ương, tỉnh cũng đã chi 18 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục công trình hư hỏng do bão số 12 năm 2017 đối với 2 hồ chứa nước Đá Bàn và Tiên Du. Đối với 8 hồ chứa nước gồm: Suối Trầu, Láng Nhớt, Đồng Bò, Đá Mài, Cây Sung, Suối Luồng, Suối Lớn và Bến Ghe, hiện nay, UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để triển khai thi công công trình theo Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Dự kiến, các hạng mục công trình sẽ được triển khai thực hiện vào năm 2020.
Đối với các công trình đang vận hành, khai thác, qua kiểm tra, trong số 28 đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, có 8 đập, hồ chứa có cửa van điều tiết lũ, 20 công trình điều tiết qua tràn tự do. Hiện nay, các đơn vị, tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã lập xong phương án ứng phó thiên tai năm 2019 và đang lấy ý kiến các địa phương, đơn vị liên quan. 28 công trình này cũng đã hoàn tất việc kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước, đồng thời tập trung xây dựng quy trình vận hành theo quy định.
Ngoài ra, cuối tháng 5-2019, UBND tỉnh đã có công văn đốc thúc các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ 2019. Ngoài việc làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình để chủ động ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, xây dựng phương án ứng phó với nhiều kịch bản sự cố và tổ chức kiểm tra, theo dõi sát các công trình nhằm kịp thời xử lý những hạng mục có thể gây mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Hồng Đăng