Từ nay đến hết năm 2020, tỉnh phấn đấu có ít nhất 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn; 60-75% HGV được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên (HGV) ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2020, tỉnh phấn đấu có ít nhất 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn; 60-75% HGV được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, riêng các xã được chọn chỉ đạo điểm phải đạt 100%. Giai đoạn 2021-2022, có ít nhất 90% HGV được tiếp cận và sử dụng bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; 80-90% HGV được bồi dưỡng nghiệp vụ.
UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, trong năm nay xây dựng được 3 tập huấn viên cấp tỉnh và 4-8 tập huấn viên cấp huyện từ nguồn cán bộ, công chức đáp ứng tiêu chuẩn làm HGV theo quy định để tập huấn nghiệp vụ cho HGV.
Từ nay đến năm 2022, căn cứ thực tế, Sở Tư pháp lựa chọn 3-5 đơn vị cấp xã để thực hiện chỉ đạo điểm, ưu tiên xã chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá về chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó, tập trung bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho HGV; hỗ trợ nguồn lực để hòa giải các vụ việc phức tạp, các tranh chấp giá trị tài sản lớn và các trường hợp vi phạm pháp luật nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do người bị hại tự nguyện hòa giải theo quy định và định kỳ đánh giá hiệu quả, khen thưởng kịp thời.
UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, bổ sung, thay thế HGV ở các tổ hòa giải còn thiếu hoặc hoạt động không hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ HGV đủ tiêu chuẩn, năng lực, đáp ứng yêu cầu. UBND cấp huyện phối hợp tập huấn cho đội ngũ HGV.
Sở Tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác cơ sở dữ liệu liên quan đến hòa giải; phổ biến bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải đến các HGV; tổ chức các hội nghị, diễn đàn; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải…
T.M