Sống chung với mùi hôi thối của nước thải từ các cơ sở sản xuất bún là nỗi khổ triền miên trong nhiều năm qua của người dân tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh...
Sống chung với mùi hôi thối của nước thải từ các cơ sở sản xuất bún là nỗi khổ triền miên trong nhiều năm qua của người dân tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. Đã thế, thời gian qua lại xuất hiện một số đối tượng chở nước thải từ việc sản xuất bún đổ xuống mương thoát nước trong khu dân cư.
Lén lút đổ trộm vào ban đêm
Trước khi mật phục để ghi hình các đối tượng đổ trộm nước thải xuống con mương trong khu dân cư nói trên, chúng tôi được người dân căn dặn phải hết sức cẩn trọng, bởi đối tượng rất côn đồ, hung hãn. Nắm được quy luật hoạt động của các đối tượng đổ trộm nước thải là bắt đầu từ 22 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp cận địa điểm trước 1 tiếng đồng hồ, ẩn mình trong lùm cây móc mèo, chờ đợi…
22 giờ, 1 chiếc xe máy đảo 2 vòng trong khu dân cư tiếp giáp với con mương thoát nước, rồi dừng lại ngay sát vị trí chúng tôi để quan sát và gọi điện thoại cho ai đó. Khoảng 10 phút sau, 1 chiếc xe máy kéo (loại xe 3 bánh, có xuất xứ từ Trung Quốc) đã được độ chế bồn chứa thay thế thùng xe, do một người đàn ông điều khiển, chạy đến trút nước thải xuống hố ga của con mương thoát nước âm dưới đường bê tông. Trong màn đêm tĩnh mịch, lặng gió, một thứ mùi kinh khủng xộc lên! Theo quan sát của chúng tôi, trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, chiếc xe này đến đổ nước thải tại đây 3 chuyến. Tiếp sau đó, trong khoảng từ 1 giờ đến hơn 2 giờ sáng, 1 chiếc xe khác cùng chủng loại, do một người đàn ông khác điều khiển, cũng chạy đến đổ nước thải xuống hố ga nói trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, 2 đối tượng đổ trộm nước thải nói trên đều là người trong tổ dân phố Phú Lộc Đông 2. 2 người này chuyên làm dịch vụ hút hầm chứa của một số cơ sở sản xuất bún trên địa bàn và đến đổ trộm nước thải tại khu vực này đã nhiều tháng qua. Người dân đã góp ý, thậm chí nhiều lần bít hố ga, nhưng các đối tượng này vẫn moi lên để tiếp tục đổ nước thải. Đặc biệt, một vài người dân còn bị 1 trong 2 đối tượng hăm dọa dằn mặt nên họ không dám phản ánh với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù.
Khổ sở vì mùi hôi thối
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn mương chứa nước thải do các đối tượng đổ trộm là mương bê tông âm dưới lòng đường và thông ra đoạn mương đất chảy qua khu vực bàu Gáo trước khi đổ ra sông Cái. Chính vì thế, người dân trong khu vực đã phải chịu đựng mùi hôi thối của nước thải trong thời gian dài và ngày càng nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, nhất là những hộ ở gần mương thoát nước. Vậy nhưng, khi tiếp xúc với phóng viên, hầu hết người dân trong khu vực không dám lên tiếng phản ảnh. Bởi vì, họ sợ bị các đối tượng đổ trộm nước thải trả thù. “Nhà tôi cách mương thoát nước hơn 100m mà còn phải đóng cửa suốt ngày để hạn chế mùi hôi thối. Tôi bị bệnh viêm xoang mãn tính cũng vì hít phải không khí ô nhiễm trong thời gian dài. Thời gian qua, chúng tôi rất bất bình trước việc các đối tượng thường xuyên chở nước thải đến đổ xuống mương làm cho tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng”, một người dân trong khu vực cho biết.
Ông Võ Văn Châu - Chủ tịch UBND thị trấn Diên Khánh cho biết, hiện trên địa bàn tổ dân phố Phú Lộc Đông 2 còn 12 hộ sản xuất bún. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những hộ xả nước thải ra môi trường; đồng thời yêu cầu các hộ này phải xây dựng hầm chứa nước thải để hạn chế ô nhiễm môi trường. “Hiện, các hộ này đã xây dựng hầm chứa nước thải, nhưng chúng tôi không kiểm soát được việc nước thải trong hầm chứa được họ xử lý thế nào hay được chở đi đổ ở đâu. Chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, nếu phát hiện hành vi đổ trộm nước thải xuống mương thoát nước, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Châu nói, và cho biết thêm: Hiện tại khu vực nói trên đang xây dựng khu tái định cư nên vấn đề môi trường đang được địa phương đặc biệt quan tâm; nếu nước thải từ các cơ sở sản xuất bún gây ô nhiễm môi trường không thể giải quyết được, thì địa phương sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định buộc ngừng hoạt động.
THẾ ANH