04:06, 20/06/2019

Điểm tựa của đối tượng yếu thế

Được thành lập từ năm 2015, đến nay Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã trở thành điểm tựa cho những đối tượng yếu thế. Nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đã được tư vấn, tham vấn, hỗ trợ vươn lên trong cuộc sống…

Được thành lập từ năm 2015, đến nay Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh đã trở thành điểm tựa cho những đối tượng yếu thế. Nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đã được tư vấn, tham vấn, hỗ trợ vươn lên trong cuộc sống…


Tích cực hỗ trợ


Anh Nguyễn Thành Quang (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) bị khuyết tật ở chân trái từ nhỏ. Lớn lên anh cố gắng học nghề hàn, nhưng do không có vốn đầu tư nên chỉ làm công nhật. Trong khi đó, anh lại e ngại tiếp xúc với người ngoài nên cũng không có nhiều mối làm ăn. Trước hoàn cảnh ấy, Trung tâm CTXH tỉnh đã tiếp cận, tìm hiểu, tư vấn và hỗ trợ 5 triệu đồng cho anh Quang đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc mở tiệm hành nghề. Bên cạnh đó, trung tâm còn hỗ trợ vợ anh Quang 5 triệu đồng mở quán bán bánh canh gần nhà. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, cùng với sự nỗ lực của bản thân, giờ đây, vợ chồng anh đã có thu nhập khá, các con an tâm học tập, gia đình cũng thoát được nghèo. Anh Quang chia sẻ: “Trung tâm CTXH tỉnh thực sự là điểm tựa cho chúng tôi. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, trung tâm còn tư vấn, giúp đỡ tôi vượt qua sự mặc cảm trong cuộc sống”.

 

Từ nguồn hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh,  anh Nguyễn Thành Quang đã mở tiệm hàn, giúp gia đình thoát nghèo.

Từ nguồn hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, anh Nguyễn Thành Quang đã mở tiệm hàn, giúp gia đình thoát nghèo.


Đó chỉ là 1 trong hàng nghìn đối tượng yếu thế đã và đang được Trung tâm CTXH tỉnh trợ giúp để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị trực tiếp tư vấn cho hơn 5.000 trường hợp về chính sách trợ giúp xã hội, nghiệp vụ CTXH, sinh kế, hôn nhân gia đình, việc làm. Đồng thời, trợ cấp học bổng, chi phí gửi trẻ cho gần 300 trường hợp trẻ em và gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, còn thực hiện trợ giúp xã hội cho 300 bệnh nhân lao phổi kháng thuốc trên địa bàn tỉnh; trợ giúp xã hội cho người bị bệnh trầm cảm trên địa bàn các xã: Diên Điền, Diên An, Diên Phú, Diên Sơn (huyện Diên Khánh).


Đặc biệt, kể từ khi ra đời, trung tâm luôn là điểm tựa trợ giúp cho hàng trăm trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như: bạo lực gia đình; xâm hại tình dục, nhất là phụ nữ, trẻ em… Sau khi tiếp cận, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các nhân viên CTXH từng bước giúp họ quên đi vết thương lòng, vươn lên hòa nhập cuộc sống. Thông qua sự kết nối, hàng năm, trung tâm đã vận động được hơn 1,5 tỷ đồng để trợ giúp cho hàng nghìn đối tượng yếu thế. Đối với những đối tượng được hỗ trợ sinh kế, trung tâm đều bám sát, tư vấn, định hướng, hướng dẫn cách làm ăn cho từng người để sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Nhờ đó, 100% đối tượng được hỗ trợ đều phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ, cuộc sống khá hơn trước.


Nâng cao chất lượng hoạt động


Bên cạnh công tác trợ giúp, Trung tâm CTXH tỉnh còn phát triển được hơn 84 mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH trong cộng đồng. Đồng thời, chú trọng nâng cao nghiệp vụ hoạt động cho đội ngũ cộng tác viên CTXH ở 137 xã, phường, thị trấn. Hàng năm, trung tâm mở hơn 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho nhân viên các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trung tâm còn hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, trợ giúp cho 15.755 người khuyết tật đang sống tại cộng đồng. Bám sát theo dõi, hướng dẫn lập hồ sơ quản lý hơn 600 đối tượng xã hội đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và gần 400 đối tượng xã hội đang sống ở 10 cơ sở ngoài công lập trên địa bàn tỉnh để trợ giúp cho đối tượng. Trung tâm còn trực tiếp lập hồ sơ quản lý, theo dõi, giúp đỡ hơn 300 đối tượng là trẻ em mồ côi, trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân của bạo lực gia đình, bà mẹ đơn thân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở quản lý, nắm vững đối tượng, trung tâm sẽ có sự điều chỉnh trong quá trình trợ giúp để những người này có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.


Ông Trần Hiệp cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 40.000 đối tượng yếu thế cần được giúp đỡ. Do vậy, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động can thiệp, hỗ trợ đối với những hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ, giúp họ tự tin, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động trợ giúp sinh kế cho trẻ em, bà mẹ đơn thân, bệnh nhân lao kháng thuốc. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ của đội ngũ cộng tác viên CTXH, nhân viên CTXH ở các cơ sở bảo trợ xã hội.


VĂN GIANG