Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2021, ngành Đường sắt sẽ đầu tư nâng tải trọng tuyến đường qua địa bàn tỉnh, đồng thời cải tạo một số cầu, hầm yếu.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2021, ngành Đường sắt sẽ đầu tư nâng tải trọng tuyến đường qua địa bàn tỉnh, đồng thời cải tạo một số cầu, hầm yếu.
Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài gần 150km, qua địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, có một số sự cố xảy ra trên tuyến đường sắt qua Khánh Hòa, trong đó đáng kể nhất là khu vực đèo Cả. Năm 2017, do ảnh hưởng của mưa bão đã khiến tuyến đường khu vực này bị tê liệt trong một thời gian. Đặc biệt, tại km 1226 + 780 khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói lở đá nền đường, sát vào thanh ray, uy hiếp an toàn chạy tàu, phải phong tỏa để sửa chữa. Trước đó, tại khu gian Phong Thạnh - Lương Sơn, Lương Sơn - Nha Trang, một số vị trí bị sụt đất taluy, treo chân ray cả trăm mét. Ngành Đường sắt đã phải huy động tổng lực các đơn vị trong ngành để khắc phục sự cố, bảo đảm công tác chạy tàu.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt cho biết, khu vực đèo Cả đã được ngành Đường sắt kiên cố hóa sau sự cố sạt trượt năm 2017. Tuy nhiên, khu vực hầm đường sắt qua đèo Cả sau nhiều năm khai thác, vỏ hầm có hiện tượng xuống cấp, hiện nay vẫn an toàn chạy tàu nhưng về lâu dài cần phải được gia cố sửa chữa. Hoặc vào cuối năm 2018, đường sắt bị ngập nặng, khiến chi nhánh phải hợp đồng với xe khách chuyển tải hơn 2.500 người. Mới đây nhất, vào cuối tháng 4, tại khu vực xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh), xảy ra 2 sự cố liên tiếp khiến tàu bị trật bánh, lật toa xe khỏi đường ray, dù không có thương tích về người nhưng cũng ảnh hưởng tới công tác chạy tàu. Nguyên nhân ban đầu được xác định do một số thanh tà vẹt cũ qua nhiều năm khai thác bị hư hỏng, gây sự cố bất ngờ.
Được biết, tháng 7-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 556, thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn là 1 trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn 1.850 tỷ đồng, giao Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đề cương dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu lựa chọn tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường sắt chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Dự kiến, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ Giao thông vận tải vào tháng 9-2019, phê duyệt dự án trong tháng 10-2019, bắt đầu thi công từ tháng 4-2020 và hoàn thành trong năm 2021. Về kế hoạch bố trí vốn, Bộ Giao thông vận tải dự kiến kế hoạch năm 2019 chi hơn 50 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, cắm cọc giải phóng mặt bằng, quản lý dự án…
Trong lần làm việc mới đây với Cục Đường sắt Việt Nam, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị ngành Đường sắt cung cấp thông tin, hồ sơ dự án các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn để ban biết, có kế hoạch đầu tư một số điểm gờ, giảm tốc trên tuyến, tránh bị trùng lặp.
MẠNH HÙNG