10:03, 03/03/2019

Nhiều giải pháp tạo việc làm

Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả giải pháp giải quyết việc làm, qua đó mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.500 người dân địa phương.

Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả giải pháp giải quyết việc làm, qua đó mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.500 người dân địa phương.


Hiệu quả từ 4 đề án tạo việc làm


Để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, các cấp, ngành đã chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện 4 đề án về hỗ trợ, giải quyết việc làm. Đối với Đề án hỗ trợ người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh, NLĐ được hỗ trợ từ 80 đến 100% chi phí xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm đã có hơn 100 NLĐ được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài. Riêng năm 2018 đã có 175 người được hỗ trợ.

 

Việc thực hiện tốt chính sách về hỗ trợ, giải quyết việc làm đã tạo điều kiện  cho người lao động tìm kiếm được công việc phù hợp.

Việc thực hiện tốt chính sách về hỗ trợ, giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm được công việc phù hợp.


Bên cạnh đó, các ngành còn triển khai sâu rộng Đề án hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động và giải quyết việc làm đến năm 2020. Các ngành đã xác định danh mục việc làm còn trống, nguồn cung lao động, xây dựng hệ thống phân tích, đánh giá và dự báo thông tin thị trường lao động trên cơ sở kết nối dữ liệu cung và cầu lao động; xây dựng mạng lưới thông tin thị trường lao động và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh nhằm nâng tỷ lệ kết nối cung, cầu lao động. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho NLĐ, bình quân mỗi năm có hơn 9.000 người có việc làm tăng thêm.


Đối với Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ bị thu hồi đất, 100% NLĐ trong độ tuổi lao động thuộc các hộ gia đình bị thu hồi đất được tiếp cận đầy đủ những chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Song song với đó, Đề án nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cũng được thực hiện hiệu quả. Qua đó, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.


Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thông qua các chính sách việc làm đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.500 người/năm. Từ những chính sách, đề án này, trong năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.600 người. Để đạt được những mục tiêu trên, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ và đồng bộ các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của Luật Việc làm và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn vệ sinh lao động; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những hoạt động trọng tâm của 4 đề án về hỗ trợ, giải quyết việc làm. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách địa phương để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo cơ chế vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm…


Sẽ mở rộng thu hút lao động ngoài tỉnh


Có một thực tế là khoảng 2 năm gần đây, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh có sự mất cân đối về cung - cầu lao động. Rõ thấy nhất là ở nhóm ngành: du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing - kinh doanh - thương mại, nhóm ngành sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm luôn thiếu hụt lao động khá lớn, khoảng 21.000 người. Nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng trong khi nguồn cung lao động trong tỉnh hạn chế đã dẫn đến sự thiếu hụt về lao động.


Ông Võ Bình Tân cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tuyển dụng, tạo nguồn lao động, trong năm 2019, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm. Cùng với việc điều tiết thị trường lao động với nguồn nhân lực hiện có trong tỉnh, sở đang nghiên cứu các giải pháp thu hút nguồn lao động ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ lao động di cư, phối hợp với các tỉnh lân cận đề xuất giải pháp về liên kết vùng phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mỗi địa phương.


Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc thông tin thị trường lao động như: sử dụng dịch vụ nhắn tin việc làm cho NLĐ qua điện thoại; phổ biến thông tin tuyển dụng trên trang mạng xã hội; phối hợp với các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp; tổ chức nhiều hình thức giao dịch việc làm; phát huy chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn lao động phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải điều chỉnh nâng mức thu nhập, xây dựng môi trường làm việc an toàn, xem NLĐ là tài sản quý thì mới giữ chân và thu hút được lao động.


VĂN GIANG