04:02, 28/02/2019

Tăng cường bảo vệ rừng giáp ranh

Khu vực rừng giáp ranh giữa lâm phận của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương (Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương) với tỉnh Đắk Lắk có chiều dài lên đến 65km, diện tích khoảng 9.000ha nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn. Với thực trạng đó, Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương đã xây dựng nhà trạm, cắt cử lực lượng đóng chốt trên địa bàn giáp ranh để giữ rừng.

Khu vực rừng giáp ranh giữa lâm phận của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương (Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương) với tỉnh Đắk Lắk có chiều dài lên đến 65km, diện tích khoảng 9.000ha nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn. Với thực trạng đó, Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương đã xây dựng nhà trạm, cắt cử lực lượng đóng chốt trên địa bàn giáp ranh để giữ rừng.


Đóng chốt giữ rừng


Sau hơn 3 giờ di chuyển bằng xe gắn máy và cắt rừng, chúng tôi mới đến được nơi đóng chốt của Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 4 (Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương) tại tiểu khu 105 (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh). Ông Nguyễn Thanh Đức - Đội trưởng Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 4 cho biết: “Trên suốt tuyến giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi có 2 chốt thuộc Tổ bảo vệ và phát triển rừng Suối Bột, nằm ở tiểu khu 105 để bảo vệ rừng giáp ranh với huyện M’Đrắk; 2 chốt thuộc Tổ bảo vệ và phát triển rừng Suối Ea’Tong để giữ rừng giáp ranh với huyện Krông Bông. Để đến được các khu vực đóng chốt, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phải mượn đường từ Đắk Lắk sang, bởi nếu đi từ phía Khánh Vĩnh lên thì phải mất cả ngày đường rừng”.

 

Nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương tuần tra khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Lắk.

Nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương tuần tra khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Lắk.


Được biết, Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 4 được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 11.000ha rừng. Trong đó, diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk khoảng 9.000ha, thuộc tiểu khu 105 (xã Khánh Bình), tiểu khu 104, 106, 107, 110, 113, 115 (xã Khánh Hiệp), các tiểu khu 112, 108, 118, 130 (xã Khánh Trung). Các khu vực rừng này đều nằm ở vùng cao, địa hình hiểm trở. Dân cư sinh sống gần vùng giáp ranh 90% là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức về việc bảo vệ rừng còn hạn chế; tình trạng người dân vùng giáp ranh xâm lấn đất rừng để canh tác, săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép vẫn thường xuyên diễn ra ở lâm phận tỉnh bạn - nơi giáp ranh với lâm phận của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương.


Bên cạnh đó, phía Đắk Lắk có nhiều tuyến đường nhánh đi sâu vào khu vực rừng giáp ranh, rất thuận tiện cho việc vận chuyển lâm sản trái phép… nên nhiệm vụ bảo vệ rừng của đội hết sức khó khăn. “Không ít lần chúng tôi bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép mua chuộc, không thành công họ quay ra đe dọa. Tuy khó khăn, nguy hiểm nhưng anh em trong đội vẫn bám trụ, giữ diện tích rừng giáp ranh được giao bảo vệ”, ông Đức chia sẻ.


Ngăn chặn hiệu quả việc phá rừng


Theo lãnh đạo Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 4, hiện nay, tại các tiểu khu: 104, 105, 106, 108, 118, 130 có nhiều cây gỗ lớn, giá trị kinh tế cao, có nguy cơ bị khai thác rất lớn nên đội đã bố trí chốt trực tại các khu vực trọng điểm này. Từ các chốt trực này, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách sẽ tuần tra, kiểm tra dọc tuyến giáp ranh hàng ngày. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền người dân vùng giáp ranh không phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Đối với nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô năm nay, bên cạnh bố trí lực lượng canh coi lửa rừng, phương tiện phòng cháy, giữ mối liên hệ với chính quyền, người dân tỉnh bạn để sẵn sàng nhân lực chữa cháy khi có tình huống xảy ra, đội còn tiến hành phát dọn đường ranh cản lửa tại những nơi tiếp giáp với khu vực sản xuất của người dân Đắk Lắk để chống cháy lan sang lâm phận của công ty.


Ông Nguyễn Văn Lực - Trưởng phòng Kỹ thuật và Bảo vệ rừng Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết: “Nhiệm vụ bảo vệ rừng tại địa bàn giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk được công ty giao cho Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 4 đảm nhiệm, với 13 nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách. Từ năm 2013 đến nay, nhờ việc xây dựng nhà trạm, bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách ngay trên tuyến giáp ranh nên diện tích rừng giáp ranh của công ty với tỉnh Đắk Lắk đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy phía lâm phận bạn vẫn diễn ra một số điểm nóng về phá rừng nhưng lâm phận của công ty vẫn được giữ vững. Đối với công tác phòng, chống cháy rừng, chỉ tính riêng trong năm 2018, đội đã phát hiện và dập tắt kịp thời 2 vụ cháy do người dân Đắk Lắk đốt rẫy lan sang”.


Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Nhờ bố trí lực lượng xây dựng nhà trạm để đóng chốt bảo vệ rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk nên những năm qua, Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương đã ngăn chặn hiệu quả việc người dân tỉnh bạn sang phá rừng, đốt nương làm rẫy. Ngoài ra, từ thông tin của lực lượng đóng chốt ở khu vực giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm đã có những chỉ đạo kịp thời cho các hạt kiểm lâm Ninh Hòa, Khánh Vĩnh tăng cường tuần tra, truy quét để bảo vệ rừng tốt hơn”.


HẢI LĂNG