Năm 2019, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả truyền thông, hướng đến thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng sống.
Năm 2019, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả truyền thông, hướng đến thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng sống.
Quan tâm các chỉ tiêu chưa đạt
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2019, ngành DS tỉnh tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, chú trọng giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, triển khai có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng DS, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản người dân, tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần nâng cao chất lượng DS. Cụ thể, phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu: tỷ suất sinh thô giảm còn 14,35‰; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc đạt 45%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 40%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75,25%; quy mô DS tiếp tục duy trì ở mức thấp, hợp lý, ổn định ở mức dưới 1,285 triệu người.
Ông Phan Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, năm 2017, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc còn thấp, chỉ đạt 33,3% kế hoạch đề ra, do số ca miễn phí giảm, trong khi đó cơ chế chính sách xã hội hóa về chương trình sàng lọc sơ sinh chưa triển khai nên phần lớn nhu cầu về sàng lọc sơ sinh của cộng đồng chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các chỉ tiêu DS chưa đồng đều ở các huyện do đặc thù địa lý vùng đồng bằng và miền núi. Cụ thể như: tỷ suất sinh của huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn vẫn còn ở mức cao hơn 19‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn hơn 25% và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn đông, chiếm 29,1% tổng DS.
Chính vì vậy, năm 2019, trong các mục tiêu đề ra, chi cục sẽ chú trọng thực hiện các chỉ tiêu đạt thấp trong năm 2018 như: sàng lọc sơ sinh; ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các vùng khó khăn, vùng khó tiếp cận, vùng dân di cư, có nhiều đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số… để đảm bảo cho người dân được đáp ứng đầy đủ dịch vụ DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kéo lùi chênh lệch về tỷ suất sinh giữa các vùng khó khăn so với khu vực đồng bằng.
Nâng cao năng lực truyền thông
Năm 2018 là năm ngành DS tỉnh gặp khó khăn về tổ chức bộ máy do các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện. Đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng có sự xáo trộn. Đến nay, bộ máy và đội ngũ cán bộ tuy đã được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định, nhưng một số cán bộ còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ. Vì vậy, năm 2019, ngành sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ nhằm đảm bảo thực hiện tốt chương trình DS trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, ngành DS tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi bằng nhiều hình thức phù hợp, hướng đến tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho người dân, để chuyển trọng tâm DS từ KHHGĐ sang DS - phát triển trong toàn xã hội, trong đó chú trọng vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Ở cơ sở sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng thôn bản, tổ dân phố, lồng ghép các tiêu chí DS vào công tác xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa. “Ngoài ra, ngân sách cấp cho hoạt động DS còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Vì vậy năm 2019, chi cục mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư ngân sách đúng mức, kịp thời; đồng thời sớm ban hành các cơ chế, chính sách xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ và sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh. Đối với Trung ương, kiến nghị đảm bảo nguồn cung ứng các phương tiện tránh thai và hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ổn định, kịp thời, tránh bị gián đoạn”, ông Giáp nói.
Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, thời gian tới, chi cục cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng DS, cố gắng tăng tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 40%; chỉ đạo các địa phương chủ động tham mưu ngân sách địa phương để triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2017 - 2020 nhằm nâng cao chất lượng nguồn DS trẻ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và giảm gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách.
M.Thiết