Hiện nay, các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh tuy nhiều nhưng không phát huy hiệu quả. Do đó, một trong những hướng nâng cao chất lượng là sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng với Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã.
Hiện nay, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn tỉnh tuy nhiều nhưng không phát huy hiệu quả. Do đó, một trong những hướng nâng cao chất lượng là sáp nhập TTHTCĐ với Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã.
Nhiều trung tâm hoạt động không hiệu quả
Từ TTHTCĐ đầu tiên được thành lập tại xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh vào năm 2000, đến năm 2014, 137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có TTHTCĐ. Theo thống kê, các TT đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức được 1.454 lớp cho hơn 75.400 lượt người dân học tập về khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; 451 lớp dạy cho gần 15.700 người nghề thuyền trưởng, máy trưởng, lái xe, nấu ăn, may công nghiệp... Tuy nhiên, theo khảo sát của Hội Trí thức tỉnh, vẫn còn gần 50% TT hoạt động không hiệu quả. Trong đó, có 21 TT mỗi năm chỉ tổ chức 1 lớp học, báo cáo chuyên đề cho 100 đến 360 người dân. Ở các xã miền núi và ven biển, còn 54,8% TT chưa tổ chức các lớp học xóa mù chữ, 64,5% chưa tổ chức các lớp học sau xóa mù. Nhiều TT chưa tổ chức điều tra nhu cầu học tập của nhân dân, nội dung học tập nghèo nàn, chưa có các lớp tuyên truyền giáo dục về văn hóa xã hội, pháp luật, dạy nghề… Trong 137 TT thì có tới 125 TT chưa có trụ sở nên các hoạt động đều tổ chức tại hội trường UBND xã. Đa số phó giám đốc các TT là cán bộ đương chức kiêm nhiệm, không có thời gian dành cho hoạt động. Kinh phí để chi cho các hoạt động rất thiếu, chủ yếu dựa vào ngân sách hỗ trợ cho mỗi TT 44 triệu đồng/năm. Sau khi chi phụ cấp cho cán bộ quản lý, chỉ còn 20,6 triệu đồng để chi cho toàn bộ các hoạt động. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa đều yếu, nhất là với các xã miền núi.
Tìm hướng đi
Với thực trạng đó, bà Bùi Thị Hồng Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Giám đốc Quỹ khuyến học, khuyến tài tỉnh đã có đề tài về đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ. Một trong những giải pháp mấu chốt được đề ra là thành lập TTHTCĐ - Văn hóa thể thao cấp xã. Với 22 xã trong tỉnh đã có TT Văn hóa - Thể thao thì sáp nhập với TTHTCĐ. Nhờ những điểm tương đồng, 2 TT sẽ phát huy năng lực của bộ máy tổ chức, sử dụng cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Đây cũng là giải pháp để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy.
Theo ông Trần Ngọc Anh - Phó Trưởng Ban thực hiện đề tài, căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch hoạt động cho TTHTCĐ - Văn hóa thể thao xã là phải điều tra nắm nhu cầu học tập của người dân phù hợp với từng vùng miền. Chẳng hạn, khu vực thành thị cần tập trung các vấn đề về: chính sách về bảo hiểm, kiến thức phòng và chữa bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, ngoại ngữ, hướng dẫn các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ… Ở nông thôn, chú trọng các chương trình về chuyển đổi cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn, bảo tồn các ngành nghề truyền thống… Ở miền núi, cần tập trung vào các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, lớp dạy nghề cho thanh thiếu niên, phát triển cây trồng, phổ biến chính sách vay vốn sản xuất… Còn đối với khu vực ven biển, cần bám sát các chương trình phát triển kinh tế thủy sản, phòng tránh bão trên biển, công nghệ nuôi trồng thủy sản…
Theo ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trong điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, cách hay nhất là lồng ghép việc xây dựng TTHTCĐ với nhà văn hóa xã theo phương thức “2 trong 1”. Các TT có thể tổ chức những dịch vụ phục vụ cho mục tiêu phát triển cộng đồng, nguồn thu này góp phần trang trải cho các hoạt động. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước phải xây dựng thành dòng ngân sách hàng năm tại cấp xã. Kinh phí đóng góp của các tổ chức được hình thành thông qua việc xây dựng kế hoạch hoạt động và ký thỏa thuận.
H.NGÂN