10:12, 09/12/2018

Những cán bộ thôn quên mình cứu dân

Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua, nhiều cán bộ thôn ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang đã quên mình để cứu không ít người dân thoát chết trong gang tấc. Còn với bản thân họ, đã có người bị thương rất nặng, cũng có người đã ra đi mãi mãi!

Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua, nhiều cán bộ thôn ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang đã quên mình để cứu không ít người dân thoát chết trong gang tấc. Còn với bản thân họ, đã có người bị thương rất nặng, cũng có người đã ra đi mãi mãi!


Ngày 7-12, người dân ở xã Phước Đồng không khỏi bùi ngùi khi hay tin ông Trần Văn Chiến - Trưởng thôn Phước Hạ đã không qua khỏi sau 20 ngày điều trị. Được biết, sáng 18-11, nhận được tin trên địa bàn thôn Phước Hạ có nhà dân bị sập do mưa lũ, ông Chiến đã tức tốc đến hiện trường trực tiếp tham gia đào bới đống đổ nát để tìm cứu người dân bị vùi lấp. Nhưng chẳng may, ông bị một mảnh tôn rỉ cắt vào chân gây nhiễm trùng uốn ván. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, song ông đã không qua khỏi.

 

Bà Cao Thị Diệu An bị thương rất nặng khi cứu dân trong lũ.

Bà Cao Thị Diệu An bị thương rất nặng khi cứu dân trong lũ.


Đến giờ, bà Võ Thị Hiền - Phó Trưởng thôn Thành Phát vẫn không thể tin rằng mình giữ được mạng sống khi bị dòng nước lũ cuốn trôi cùng với đất đá, cây cối ngổn ngang, khiến bà bị thương tích đầy mình. Nhiều năm gần gũi với người dân xóm Núi, thông thuộc địa bàn cũng như nắm rõ đặc điểm địa hình nơi đây có nhiều nguy cơ sạt lở do mưa lớn nên ngay từ lúc 5 giờ 30 ngày 18-11, các cán bộ thôn Thành Phát đã thành lập tổ công tác gồm: trưởng thôn, phó thôn, bí thư chi bộ, thôn đội trưởng và 2 dân quân đến khu vực xóm Núi để tìm cách ứng cứu người dân. “Khi chúng tôi đi đến đầu dốc đã thấy nước lũ dâng cao, chảy xiết, các con đường dẫn lên xóm Núi đều biến thành các con suối cuồn cuộn cuốn theo đất đá, cây cối. Chúng tôi trao đổi nhanh và quyết định chia thành 3 nhóm, rồi men theo các lối đi chưa bị ngập để cố gắng tiếp cận các nhà dân. Chúng tôi vừa đập cửa vừa hô to để đánh động người dân thức giấc và tìm cách di chuyển xuống núi. Cứ như thế, chúng tôi tiếp cận được đến dãy nhà dân ở cao nhất. Nhưng cũng chỉ ít phút sau, dãy nhà dân trên cao này lần lượt bị nước lũ cuốn sập”, bà Hiền kể lại.


“Nhà của gia đình ông La Hăng, ông Dũng, rồi nhiều nhà khác ở cùng dãy, tiếp đến là các dãy nhà ở phía dưới lần lượt bị cuốn sập. Cảnh tượng người lớn la hét, trẻ em kêu khóc, nhiều người bị cuốn trôi lẫn với đất đá… khiến tôi không bao giờ quên được. Lúc đó, tôi và các cô, chú trong tổ chỉ biết dìu các cháu nhỏ, người già, những người bị thương lên những mô đất cao. Một lát sau, tôi thất thần khi chứng kiến cô Hiền và cô Diệu An bị một căn nhà sập đè lên người, rồi trôi đi. Tôi cũng bị tường nhà đè lên chân và mắc kẹt ở đó”, anh Lê Trương Vinh - Thôn đội trưởng thôn Thành Phát cho biết.


Khi các lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp cận hiện trường, người ta tìm thấy bà Võ Thị Hiền mắc kẹt trên cành cây cách dãy nhà dân trên cùng khoảng 1km và cách cống chảy ra biển không xa. Bà Cao Thị Diệu An - Trưởng thôn Thành Phát cũng được tìm thấy cách vị trí căn nhà sập đè lên người hàng trăm mét, với nhiều thương tích rất nặng. Theo bác sĩ Huỳnh Như Quốc Hùng - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi nhập viện, bà An trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được, chấn thương ngực kín, gãy 6 xương sườn, gãy xương chậu 2 bên, gãy 2 xương cẳng tay trái, gãy đốt sống cùng 1, 2, 3. Sau thời gian cấp cứu, chữa trị tích cực tại đây, ngày 4-12, gia đình bệnh nhân đã xin chuyển bà An vào chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.


Theo ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, sáng 18-11, ngay sau khi nhận được thông tin từ tổ công tác cán bộ thôn Thành Phát báo tình hình lũ trên khu vực xóm Núi, xã lập tức huy động lực lượng dân quân lên hỗ trợ ứng cứu dân. Tuy nhiên, do nước lũ lớn ập xuống quá nhanh, các thành viên tổ công tác cán bộ thôn không kịp trở tay khiến 4 trong 6 người bị thương, trong đó bà Cao Thị Diệu An bị thương nặng nhất. Tổ công tác cán bộ thôn Thành Phát đã bất chấp hiểm nguy, chủ động và nỗ lực hết mình để cứu giúp người dân trong cơn lũ dữ. Sau khi sự cố xảy ra, xã đã kịp thời động viên, hỗ trợ đối với những người bị thương, song không gì có thể so sánh được với sự hy sinh mất mát họ đã và đang trải qua, đặc biệt là trưởng thôn. Địa phương đang tìm hiểu về các quy định liên quan để sau khi bà An xuất viện sẽ đề nghị lên thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét về chế độ thương tật lâu dài cho bà.


THẾ ANH