10:12, 21/12/2018

Nhận ra lỗi lầm để phục thiện

Chỉ đến khi cánh cổng trại giam mở ra, họ - những con người một thời lầm lỗi mới nhận ra giá trị của cuộc sống...

Chỉ đến khi cánh cổng trại giam mở ra, họ - những con người một thời lầm lỗi mới nhận ra giá trị của cuộc sống...


Trong ngày hội gia đình phạm nhân được Trại giam A2 - Bộ Công an (đóng tại xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) tổ chức mới đây, Trần Bảo Trân (24 tuổi, quê ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là một trong tổng số hơn 1.000 phạm nhân đang thi hành án phạt tù có quá trình cải tạo tốt, được chọn đọc thư và phát biểu cảm tưởng. Trân đang chấp hành bản án 7 năm 6 tháng tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.

 

Phút gặp nhau của mẹ con Trân.

Phút gặp nhau của mẹ con Trân.


Bước ra từ cánh gà hội trường, ngước nhìn người mẹ đang ngồi bên dưới cùng cháu gái, Trân chậm rãi đọc bức thư mà cô thức thâu đêm viết cho mẹ: “Mẹ kính yêu!. Đêm nay, lại một đêm nữa con ngồi đây và nhớ mẹ, nhớ những tháng ngày tuy nghèo khó mà hạnh phúc, êm đềm biết bao! Đôi khi bình yên cũng là hạnh phúc mẹ nhỉ? Vậy mà mới đó cũng đã 3 năm rồi kể từ ngày con xa mẹ để đương đầu với những khó khăn nơi trại giam. Có chăng con đã muộn khi con nhận ra bao lỗi lầm đã gây nên và để lại trong tim mẹ những niềm day dứt”.

 

Trung tá Phạm Hữu Đức Vinh - Phó Giám thị Trại giam A2: Hiện tại trại đang quản lý, giam giữ hơn 1.000 phạm nhân. Các phạm nhân có mức án cao, tính chất, thành phần phạm tội khác nhau; độ tuổi, trình độ văn hóa không đồng đều… khi vào trại giam chấp hành án đa số đều có biểu hiện bi quan, chán nản, mặc cảm, suy nghĩ tiêu cực, thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như các quy tắc chuẩn mực, đạo đức xã hội. Nhưng sau một thời gian học tập, lao động, phạm nhân đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, từ đó nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động để sớm được hưởng chính sách khoan hồng, sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Ngồi bên dưới, bà Nguyễn Thị Kim Dung ôm chặt cháu gái, òa khóc. “Cho dù con vấp phải sa ngã nhưng con vẫn là con của mẹ. Mẹ đã tha thứ cho con rồi con gái bé bỏng của mẹ”, bà Dung nói trong nước mắt.


Từ một cô học trò ngoan, được thầy cô và bạn bè yêu mến, vậy mà chẳng mấy chốc Trân đã trở thành một kẻ bất cần, trượt dài theo những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Cô bị bắt khi mang ma túy đi bán, bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù giam. Ngày cánh cửa trại giam mở ra cũng là lúc Trân nghĩ tương lai của mình đã khép lại. Nhưng giữa lo lắng, hoang mang, Trân nhận được tình thương, sự bao dung đầy trách nhiệm của Ban Giám thị và cán bộ Trại giam A2 trong cảm hóa, giáo dục khiến Trân nhận ra những lỗi lầm và định hướng được niềm tin để sống, học tập và cải tạo. “Giờ đây, con đã tiếp thu được nhiều điều hay lẽ phải, thực sự ăn năn hối cải về những việc làm sai trái, lỗi lầm trước đây của bản thân. Con hứa với mẹ sẽ phấn đấu lao động, cải tạo để sớm về với gia đình và trở thành người con có ích cho xã hội”, Trân viết.


Khác với Trân, phạm nhân Nguyễn Văn Khôi (50 tuổi, quê ở Khánh Hòa) bị tòa tuyên phạt 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau quá trình cải tạo tốt, phạm nhân này được giao trọng trách Đội trưởng Đội Phạm nhân tự quản, Phân trại số 2, Trại giam A2. “Dù xuất phát từ lý do gì và động cơ thế nào thì tất cả phạm nhân chúng tôi đang từng ngày từng giờ day dứt, ân hận về những lỗi lầm mà mình gây ra…”, phạm nhân Khôi phát biểu cảm tưởng.


Lời phát biểu của phạm nhân Khôi cũng nêu bật vai trò của những cán bộ quản giáo trại giam đã giúp mình nhận ra lỗi lầm, đồng thời ý thức phải cải tạo thật tốt, sớm trở về với vòng tay yêu thương của gia đình. Chính từ sự quan tâm, thương yêu của Ban giám thị, cán bộ Trại giam A2 và gia đình đã giúp các phạm nhân thêm quyết tâm phục thiện. “Tôi tự hứa với bản thân sống có trách nhiệm với cuộc đời và chính mình. Chỉ có sống tốt, sống có ích là cách tốt nhất để đền ơn cho xã hội, cho những người mình yêu thương”, phạm nhân Khôi tâm sự.


T.LONG