Những năm qua, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần đáng kể, tạo đòn bẩy cho huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) phát triển. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của chương trình vẫn còn những vấn đề cần giải quyết.
Những năm qua, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi đã góp phần đáng kể, tạo đòn bẩy cho huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) phát triển. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của chương trình vẫn còn những vấn đề cần giải quyết.
Những tín hiệu tích cực
Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững của Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, địa phương đã bám sát nhu cầu thực tế, lựa chọn những mô hình sản xuất hiệu quả cao để tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng cho người dân thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2018, có 190 hộ trên địa bàn được hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,17 tỷ đồng. Từ việc hỗ trợ này, nhiều hộ ĐBDTTS đã phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả như: trồng quýt đường, bưởi da xanh xen chuối, trồng sầu riêng, mía tím, chăn nuôi heo, bò… Các hộ tham gia chương trình đều lựa chọn các mô hình cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đã được thực hiện thành công tại địa phương nên phát huy được hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển các mô hình phát triển kinh tế, năm 2018, huyện còn phê duyệt danh sách 70 hộ vay vốn nhân rộng mô hình phát triển sản xuất kinh tế hộ, với định mức vay tối thiểu 20 triệu đồng/hộ; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo từ ngân sách tỉnh để các hộ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để nông dân có điều kiện nắm bắt kỹ thuật, địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thu hút hàng trăm học viên tham gia; tổ chức cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm hay từ các mô hình phát triển sản xuất, từ đó học tập, nhân rộng trên địa bàn. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương còn chú trọng việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cụ thể đã có hơn 380 người dân là ĐBDTTS được đào tạo các nghề phi nông nghiệp, hơn 500 người được đào tạo nghề nông nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, trong những năm qua, huyện Khánh Sơn đã thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân. Riêng việc hỗ trợ nước sinh hoạt, giai đoạn 2016 - 2018, đã có 1.205 hộ được hỗ trợ lắp đặt đường ống dẫn nước vào nhà, với tổng kinh phí gần 1,74 tỷ đồng; 5 giếng khoan và bể chứa đã được đầu tư tại 5 cụm dân cư khó khăn về nước sinh hoạt. Về sửa chữa nhà ở, có 178 hộ được hỗ trợ, trong đó xây mới 58 căn, sửa chữa 120 căn. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của chương trình, thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã được đầu tư 5 công trình đường vào khu sản xuất, tổng kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 2 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn gồm Thành Sơn và Ba Cụm Nam; các xã này luôn được ưu tiên đầu tư. Về cơ sở hạ tầng, 2 xã đã được đầu tư mới 6 công trình, với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng; 200 hộ được hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất. Các mô hình này đều phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các hộ ĐBDTTS.
Những vấn đề còn tồn tại
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Khánh Sơn, việc thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, một số mô hình phát triển kinh tế do triển khai chưa phù hợp, chẳng hạn như mô hình trồng bưởi da xanh trên đồi, thiếu nước tưới của hộ ông Cao Văn Lượng (xã Sơn Lâm), do thiếu thực tế nên dẫn đến không hiệu quả. Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi một lần chưa phát huy được hiệu quả do nhiều hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhiều hộ vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật được hướng dẫn nên hiệu quả chưa cao. Nguồn vốn thực hiện chương trình được phân bổ chậm, ít nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương…
Theo ông Đỗ Huy Nhi - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Khánh Sơn, qua giám sát, ban đã có những đề nghị cụ thể đối với UBND huyện nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn. Cụ thể, UBND huyện cần đề xuất UBND tỉnh xem xét tăng số lượng hộ ĐBDTTS được hỗ trợ lên 15 hộ/xã (10 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo) thay vì 10 hộ như hiện nay, đồng thời tăng định mức và kéo dài thời gian hỗ trợ, bởi hiện nay số hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn rất lớn. Đối với 2 xã đặc biệt khó khăn, cần tăng mức hỗ trợ sản xuất từ 300 triệu đồng/xã như hiện nay lên 500 triệu đồng/xã. UBND huyện Khánh Sơn cần ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ĐBDTTS; đặc biệt là quan tâm đầu tư xây dựng các giếng khoan ở các cụm dân cư, các điểm trường học xa hệ thống cấp nước…
BÍCH LA