10:12, 19/12/2018

Góp phần cải thiện chất lượng vệ sinh, môi trường

Nguồn vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giúp hàng chục nghìn hộ gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguồn vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đã giúp hàng chục nghìn hộ gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Vay vốn xây công trình nước sạch, vệ sinh


Trước đây, gia đình ông Quang Phi (Láng Nhớt, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh) chưa có công trình nước sạch, chưa có giếng nước. Vì thế, gia đình mua nước để nấu ăn và uống, còn nước cho nhu cầu sinh hoạt khác thì lấy ở ao nuôi cá. Mới đây, gia đình ông Phi vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh để khoan giếng và xây dựng công trình vệ sinh.

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (thị trấn Khánh Vĩnh) vay vốn để xây dựng hệ thống nước.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (thị trấn Khánh Vĩnh) vay vốn để xây dựng hệ thống nước.


Mới làm nhà ở gần sông nhưng lại xa hệ thống nước sạch, tuy nhiên, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (tổ 1, thị trấn Khánh Vĩnh) không đào giếng mà chọn dùng nước từ Nhà máy nước Khánh Vĩnh. Mấy tháng trước, gia đình bà vay 12 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Khánh Vĩnh và kinh phí tự có để làm đường ống nước, mua bồn chứa nước kết hợp xây nhà vệ sinh. Nhờ thế, gia đình bà có công trình nước sạch khép kín, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình; có công trình vệ sinh sạch sẽ.


Trước đây, gia đình bà Dương Thị Nhung (tổ 6, thị trấn Khánh Vĩnh) đã được vay 12 triệu đồng từ NHCSXH để xây dựng bể chứa nước, làm hệ thống nước, nhà vệ sinh. Tuy nhiên, sau bão, đường ống nước và hệ thống lọc bị hư hỏng. Vì thế, mới đây, gia đình bà vay thêm 8 triệu đồng để sửa chữa đường ống và hệ thống lọc. Gia đình bà sử dụng nước giếng khoan bơm lên bể lọc. Bà Nhung cho biết, nhờ hệ thống lọc nên nước nấu không bị cặn.


Giải ngân nguồn vốn lớn


Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lý - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Khánh Vĩnh, nguồn vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt của người dân nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã. Tuy chưa nhiều, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số đã có ý thức hơn về vấn đề vệ sinh môi trường nên một số người dân đã vay nguồn vốn này để xây nhà vệ sinh và lắp đặt hệ thống nước tự chảy. Trước đây, mức vay tối đa 6 triệu đồng/công trình, mức vay tối đa 12 triệu đồng/hộ (cả công trình nước sạch và công trình vệ sinh) nên nhiều gia đình phải tự bỏ thêm kinh phí xây dựng. Mới đây, mức vay đã tăng lên tối đa 10 triệu đồng/công trình, hộ gia đình có thể vay tối đa 20 triệu đồng từ chương trình này nên người dân rất phấn khởi. Đến nay, dư nợ vốn vay từ chương trình này của Khánh Vĩnh gần 22 tỷ đồng. 

 
Năm 2018, doanh số giải ngân toàn tỉnh chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt hơn 288 tỷ đồng, với 21.955 hộ vay để xây dựng 37.323 công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Trong đó, kể từ khi nâng mức vay nước sạch và vệ sinh môi trường đã giải ngân gần 64,6 tỷ đồng với 3.499 hộ vay; doanh số thu nợ gần 218 tỷ đồng. Đến ngày 17-12, dư nợ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường toàn tỉnh đạt hơn 790 tỷ đồng, với 82.500 hộ vay. Trong số các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh, đây chương trình có dư nợ lớn nhất cũng như có số hộ vay nhiều nhất (dư nợ tất cả các chương trình hơn 2.521 tỷ đồng với 142.417 hộ vay).


Bà Phan Phước Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh cho biết, nguồn vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nâng cao điều kiện sống của người dân, hạn chế bệnh tật, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương, thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.


NAM DU