Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn có nhiều chuyển biến, góp phần tăng cường quản lý môi trường theo hướng bền vững.
Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn có nhiều chuyển biến, góp phần tăng cường quản lý môi trường theo hướng bền vững.
Nhiều hoạt động thiết thực
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 99 xã thuộc khu vực nông thôn, trong đó có 91 xã (91,9%) thành lập được đội, hợp tác xã hay tổ chức, cá nhân thu gom rác. Khối lượng rác thu gom hàng năm từ 76.000 đến 80.000 tấn.
Ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng TN-MT Diên Khánh cho biết, công tác thu gom và xử lý rác được huyện triển khai đã nhiều năm, đi vào ổn định và thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Tại các xã khu vực nông thôn đều tổ chức được mô hình thu gom rác tự nguyện. Các xã chọn một số cá nhân quan tâm, hỗ trợ mua sắm phương tiện vận chuyển và ký hợp đồng thu gom rác. Định kỳ, đội thu gom rác thu gom theo đơn vị thôn và vận chuyển rác về bãi tập kết hay bãi rác xã. Mô hình này bao phủ 100% địa bàn huyện, góp phần giải quyết tình trạng ứ đọng rác gây ô nhiễm môi trường.
Thị xã Ninh Hòa có 15/20 xã đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Các xã tự xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác; thực hiện thu phí vệ sinh môi trường của các hộ theo quy định. Phần mất cân đối thu chi được hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của thị xã. Đến nay, 4/15 xã mua sắm xe tải thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; các xã còn lại hợp đồng với cá nhân, tổ chức thu gom, vận chuyển rác. Toàn thị xã có 6/20 xã đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí môi trường. So với trước, công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn tại địa phương có chuyển biến tích cực.
Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, thời gian qua, Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần tăng cường công tác quản lý rác thải. Trong đó, Sở Y tế đã có nhiều hoạt động tăng cường quản lý rác thải nông thôn như: tuyên truyền tại 182 cơ sở y tế trong tỉnh; 100% cơ sở y tế đã thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo quy định; trồng và chăm sóc 217 cây xanh trong khuôn viên, treo 82 băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở đơn vị và tổ chức tổng vệ sinh toàn đơn vị. 100% xã, phường, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vận động xây dựng 3 công trình vệ sinh (nhà tiêu, nhà tắm, cấp nước sạch), thu gom rác thải… Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lồng ghép các hoạt động hưởng ứng chiến dịch với việc ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phòng chống dịch bệnh Zika, sốt xuất huyết tại 8 huyện, thị xã, thành phố…
Cần tăng cường quản lý
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn vẫn còn một số khó khăn như: một số địa phương gặp khó khi xây dựng mô hình thu gom rác tự quản (Vạn Ninh, Cam Lâm…), một số khu vực chưa bố trí được các tuyến thu gom, vận chuyển rác; công tác quản lý của tổ tự quản chưa chặt chẽ và chưa được đầu tư trang bị thiết bị, phương tiện bảo đảm; thiếu các bãi chôn lấp hợp vệ sinh; thiếu nhân lực quản lý, bởi công chức địa chính cấp xã kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao; chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Mặt khác, công nghệ xử lý lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp, đốt; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở một số nơi còn hạn chế, còn tình trạng phát sinh bãi rác tự phát, bãi rác giáp ranh…
Để khắc phục những hạn chế trên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03 ngày 22-1-2018 về tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; rà soát, đánh giá việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; chủ động bố trí từ ngân sách cấp huyện và cấp xã để kịp thời hỗ trợ chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các mô hình thu gom, xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư…
Tuy còn nhiều việc phải làm nhưng hy vọng thời gian tới, với sự chỉ đạo của tỉnh, sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, công tác quản lý rác thải nông thôn sẽ huy động được sự chung tay của cả cộng đồng và đạt kết quả tốt hơn.
V.LẠC