11:11, 28/11/2018

Rừng ngập mặn Tuần Lễ bị thu hẹp

Rừng bần cổ thụ quý hiếm duy nhất của cả nước tại thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang đứng trước nguy cơ biến mất trước tác động của thiên nhiên và con người.

 

Rừng bần cổ thụ quý hiếm duy nhất của cả nước tại thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang đứng trước nguy cơ biến mất trước tác động của thiên nhiên và con người.

 

Diện tích rừng ngập mặn Tuần Lễ bị thu hẹp do người dân lấn để xây dựng nhà ở.

Diện tích rừng ngập mặn Tuần Lễ bị thu hẹp do người dân lấn để xây dựng nhà ở.

 

Cách đây không lâu, trong lần đến thôn Tuần Lễ khảo sát hiện trạng rừng ngập mặn, đồng chí Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo phải có cơ chế để bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn hiệu quả hơn. Hiện nay, diện tích rừng ngập mặn liên tục bị thu hẹp do huyện giao xã, xã giao khoán hộ dân quản lý nên không hiệu quả. Quan trọng nhất trong bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là chính quyền và người dân phải cùng vào cuộc chứ không thể khoán trắng cho hộ dân. Đối với rừng ngập mặn Tuần Lễ, cần xác định lại khu vực cần bảo vệ, phục hồi; khu vực để nuôi tôm, trồng dừa, có như thế mới có thể bảo vệ được hệ sinh thái đặc biệt này.

Do không được bảo vệ tốt nên liên tiếp những năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn Tuần Lễ cùng với số lượng cây bần cổ thụ liên tục giảm. Nếu như đầu năm 2017, diện tích rừng ngập mặn Tuần Lễ còn 11,8ha, giảm 1,7 lần so với năm 2002; số cây bần cổ thụ còn 127 cây, giảm 3/4 so với thời điểm năm 2002, thì sau cơn bão số 12 năm 2017, diện tích rừng ngập mặn, đặc biệt là số cây bần cổ thụ giảm một cách rõ rệt, mất đến 90% số cây bần cổ thụ còn lại. Một người dân địa phương cho hay, nguyên nhân khiến rừng bần, đước bị chết dần là do các đìa tôm phát triển tự phát ở bên ngoài, khiến cho rừng ngập mặn bị “bao vây”, không còn nước thủy triều ra vào nên trở thành những ao tù đọng, rác thải ngập rừng. Ngoài ra, việc người dân lấn chiếm đất rừng ngập mặn để làm nhà cửa, trồng dừa xiêm cũng khiến cho diện tích rừng bị thu hẹp rất nhiều. Đặc biệt tình trạng này trở nên phổ biến sau cơn bão số 12 năm 2017, thấy rừng gãy đổ, nhiều người dân đã chặt phá để làm nhà, trong khi chính quyền địa phương lại không kiên quyết xử lý.


Ông Đặng Thành Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết, hiện nay các cây bần cổ thụ, cây đước đã chết trên 90%. Khả năng phục hồi lại khu rừng rất khó. Bên cạnh đó, lợi dụng sau bão, cùng với cơn “sốt đất” trên địa bàn, nhiều hộ sống gần rừng đã chặt bỏ cây, đổ đất, cát lấn hết diện tích đất rừng để xây nhà, trồng dừa. Sau khi lấn chiếm, các hộ lén lút mua bán bằng giấy tay khiến địa phương rất khó phát hiện, xử lý. Cùng với đó, hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đang thực hiện đầu tư tuyến đường từ Quốc lộ 1 xuống Đầm Môn nhưng lại chưa thực hiện cắm mốc nên càng tạo lúng túng cho xã trong công tác quản lý, không biết phần diện tích đất dân lấn có nằm trong ranh giới tuyến đường hay là đất rừng.


Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thành Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết, trước thực trạng đất rừng ngập mặn bị lấn chiếm, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban cùng với UBND xã Vạn Thọ thành lập đoàn kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính hơn 40 trường hợp lấn chiếm đất rừng. Đa số những hộ lấn đất là dân bản địa. Tuy nhiên, do Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong vẫn chưa cắm mốc lộ giới theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nên hiện nay địa phương chưa xác định được diện tích bị lấn chiếm là bao nhiêu, dẫn đến nhiều trường hợp đã bị lập biên bản nhưng chưa xử lý được; khi nào Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cắm mốc, địa phương mới xử phạt và yêu cầu các hộ tháo dỡ các công trình trái phép và khôi phục lại hiện trạng. Địa phương sẽ cưỡng chế nếu người dân cố tình không thực hiện.


BÍCH LA - VĂN GIANG